Khoa học

Hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn

TP. Hồ Chí Minh

Đây là chương trình phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, tăng cường và nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn.

Tổng thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.
Anh: Vũ Tiến Lực - TTXVN

Sáng 30/5, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) và Câu lạc bộ AIoT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo hướng nghiệp và khởi nghiệp về AIoT (trí tuệ nhân tạo vạn vật) cho học sinh Trung học phổ thông và sinh viên Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố.

Đây là chương trình phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, tăng cường và nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, do đó rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hội Tin học sẽ phối hợp với các đơn vị, trường học để hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên về lĩnh vực AI, công nghệ bán dẫn. Hội thảo là bước khởi đầu trong truyền thông hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên về lĩnh vực AIoT. Khoảng 4 - 5 năm gần đây, tại Việt Nam, mô hình STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đã được tích cực đưa vào các trường học, có nhiều câu lạc bộ, các cuộc thi về STEM khá sôi động. Điều này giúp nuôi dưỡng niềm đam mê công nghệ cho học sinh từ nhỏ, là nền tảng để đào tạo nối tiếp trong lĩnh vực AI, công nghệ bán dẫn.

Chia sẻ về mô hình đào tạo lập trình dự án AI cho học sinh, ông Ngô Quốc Hưng, nhà sáng lập Trung tâm khởi nghiệp CoTAI Startup Studio cho rằng, phải có quyết tâm để thực hiện, bởi có ý kiến đặt ra làm thế nào dạy AI cho học sinh Trung học phổ thông khi đây là lĩnh vực mới, đào tạo cho sinh viên còn “trầy trật”. Theo ông Hưng, cần kết hợp dạy công nghệ và ứng dụng sinh động về AI cho học sinh, giúp các em đam mê, có ý tưởng khởi nghiệp hoặc hướng đến sau này tham gia vào các công ty AI lớn.

“Học sinh có đam mê về công nghệ nên có dự án nhỏ trong quá trình học, bởi có thể một lúc nào đó, sản phẩm từ dự án đó sẽ có nhiều người dùng. Việc đầu tư nguồn lực vào các dự án này khá nhỏ, nhưng khi thành công thì có thể trở thành công ty lớn. Ngay cả khi không thành công với dự án, chúng ta “mất mát” cũng rất ít, trong khi vẫn có được những kinh nghiệm quý giá”, ông Ngô Quốc Hưng chia sẻ với học sinh, sinh viên về ý tưởng khởi nghiệp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia từ Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty nghiên cứu phát triển chip Nanochap cũng chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về khởi nghiệp trong thời đại số, ngành bán dẫn…/.

Vũ Tiến Lực

Xem thêm