Xã hội

Đẩy mạnh truyền thông về các vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm

Hà Nội

Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động Công đoàn, nhất là lợi ích Công đoàn mang lại để người lao động hiểu rõ mục tiêu “vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chương trình "Têt sum vầy" tại Phú Yên. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang vừa ký ban hành Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”

Chương trình được ban hành với mục tiêu tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Công đoàn, sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Cùng với đó là tập trung quảng bá, giới thiệu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đóng góp và những đổi mới của Công đoàn Việt Nam; phản ánh kịp thời đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra chỉ tiêu: Hằng năm có 85% đoàn viên, người lao động được tiếp cận thông tin về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và Công đoàn; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Công đoàn tuân thủ cơ chế phát ngôn về hoạt động Công đoàn. Người phát ngôn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Phấn đấu đến năm 2028, có 100% cán bộ Công đoàn làm công tác chỉ đạo và trực tiếp tham mưu công tác truyền thông ở các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; 70% trở lên cán bộ lãnh đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 50% trở lên cán bộ lãnh đạo Công đoàn cơ sở, ưu tiên trước hết cho khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước được bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông.

Bên cạnh đó, tỷ trọng các sản phẩm truyền thông về Công đoàn trên nền tảng số chiếm 50% tổng số sản phẩm truyền thông của các cấp Công đoàn; 100% tài liệu phục vụ công tác truyền thông được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; phát hiện, xử lý 80% trở lên tin sai lệch, tin xấu độc về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Chương trình đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2028, cơ quan Công đoàn cấp tỉnh và tương đương có cán bộ làm công tác truyền thông được đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ về báo chí, truyền thông.

Về nội dung, Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” sẽ kết hợp hài hòa giữa truyền thông chính trị, truyền thông chính sách và truyền thông hình ảnh; bên cạnh truyền thông về hoạt động Công đoàn, cần đẩy mạnh truyền thông về các nội dung, vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm; thông qua truyền thông công đoàn, phải đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động.

Nội dung truyền thông sẽ bám sát Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các định hướng và nhiệm vụ công tác hàng năm, công tác truyền thông phải được cụ thể hóa nội dung, triển khai các thông điệp theo chủ đề và sự kiện. Trong đó, tập trung truyền thông về các nội dung: Các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng; truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn, nhất là chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động, những quy định người lao động cần nắm vững để nâng cao năng lực tự bảo vệ; thông tin chỉ dẫn, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Việc truyền thông phải góp phần nâng cao nhận thức về tổ chức Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động Công đoàn, nhất là lợi ích Công đoàn mang lại để người lao động hiểu rõ mục tiêu “vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?”. Cùng đó, truyền thông về Công đoàn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; thông tin đối ngoại và các hoạt động hợp tác quốc tế.

Đồng thời, Liên đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua; về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ giá trị cốt lõi và truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công tác tuyên truyền, cần nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động; những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và các sáng kiến, hiến kế phát triển đất nước của người lao động.

Đặc biệt, ngành chú trọng truyền thông về các hoạt động, sự kiện nổi bật hằng năm, như: Chương trình Tết Sum vầy và hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động; Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5; các chương trình lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, đại biểu dân cử các cấp gặp gỡ, đối thoại, tiếp xúc với đoàn viên, người lao động; kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và trao các giải thưởng, tôn vinh cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động; Công đoàn kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước, của Đảng./.


Đỗ Bình

Xem thêm