Từ tháng 8/2023, nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và một số xã khu vực lân cận, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến cơ sở.
TTXVN - Để mọi người dân đều được nhận được quy trình chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt nhất, đặc biệt ở những địa bàn miền núi, khó khăn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm dành nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
*Đưa dịch vụ y tế đến gần dân
Huyện Tam Đảo là một huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc với 44,5% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã được đầu tư trang thiết bị y tế với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, trong đó có nhiều thiết bị, máy móc hiện đại như máy siêu âm xách tay, máy đo độ loãng xương, máy đo nhanh các thông số sinh tồn, máy chụp X-quang di động kỹ thuật số, máy điều trị sóng ngắn…
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, tích cực chuyển giao kỹ thuật và các giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ... Hiện nay, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế trên địa bàn có 233 cán bộ, nhân viên, trong đó có 68 bác sĩ. Hiện Trung tâm có 19 khoa, phòng, quy mô 150 giường bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã khám, chữa bệnh cho hơn 40.000 lượt người; số bệnh nhân điều trị nội trú hơn 6.100 lượt; công suất sử dụng giường bệnh đạt 83,7%.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo cho biết, hiện nay, Trung tâm đã thực hiện được 28% các kỹ thuật phân tuyến và 3,6% kỹ thuật vượt tuyến. Trong năm 2023, Trung tâm đã thực hiện được 20 kỹ thuật mới như: Thông khí nhân tạo không xâm nhập, khí máu - điện giải trên máy I-STAT-1-ATTBOTT, điệm mãng châm điều trị hội chứng vai gáy, xét nghiệm HAV… Việc triển khai hiệu quả các dịch vụ y tế chất lượng cao tại Trung tâm đã góp phần giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm tình trạng quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là các địa phương xa trung tâm, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con người dân tộc, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các Trạm Y tế, Phòng khám Đa khoa ở các vùng khó khăn.
Gần 8 giờ, Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù đã có nhiều bệnh nhân đến khám bệnh. Do nằm gần trung tâm xã, việc đi lại của người bệnh khá thuận lợi. Phòng khám được xây dựng khang trang, đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được bồi dưỡng về nghiệp vụ nên đã tạo được niềm tin cho nhân dân.
Đến khám và lấy thuốc tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù, bà Đặng Thị Hai, ở thôn Phân Lân Hạ, xã Đạo Trù phấn khởi cho biết: “Mấy hôm nay, do thời tiết thay đổi, thấy trong người mỏi mệt, tôi đến Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù khám và mua thuốc. Được cán bộ khám, động viên, tư vấn cách chữa bệnh và kê đơn cấp thuốc về uống, tôi thấy khá yên tâm”.
Chị Vũ Thị Khuyên, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo chia sẻ: “Bé nhà tôi bị ho và sốt do viêm họng nên cho đi khám. Tôi thấy cơ sở vật chất và sự chăm sóc của các bác sĩ ở đây nhiệt tình, tôi tin tưởng cho con đến khám và điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù mà không phải đi lên Trung tâm Y tế huyện”.
Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù cho biết, trước kia, Phòng khám chỉ có 5 cán bộ, bác sĩ, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Do đó, mỗi cán bộ y tế của Phòng khám chỉ tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân đến thăm khám, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm thông thường. Từ tháng 8/2023, nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và một số xã khu vực lân cận, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến cơ sở.
Hiện nay, Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù có có 15 cán bộ y tế, trong đó có 7 bác sĩ, một cử nhân xét nghiệm, một dược sĩ, 4 điều dưỡng, hai nữ hộ sinh. Để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, Phòng khám đã được đầu tư nhiều trang thiết bị như: Máy siêu âm 4D, máy nội soi tai - mũi - họng, máy Xquang, máy sinh hóa máu, công thức máu…Nhờ đó, đến nay, mỗi ngày, Phòng khám Đa khoa khu vực Đạo Trù tiếp nhận 50 - 60 bệnh nhân đến khám, có ngày cao điểm lên đến 70 lượt bệnh nhân và khoảng 20 bệnh nhân điều trị nội trú. Phòng khám đã thành địa chỉ tin cậy cho bà con trong xã và các địa phương lân cận.
*Xây dựng niềm tin với người bệnh
Đối với địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, lại nằm cách xa trung tâm tỉnh như huyện Sông Lô, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là yếu tố nhân lực y tế chất lượng cao lại càng quan trọng hơn. Để thu hút nguồn nhân lực, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ của tỉnh. Bên cạnh đó,Trung tâm đề ra Nghị quyết riêng cho việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, đối với bác sĩ trẻ học Đại học Y tốt nghiệp đạt loại giỏi, Trung tâm hỗ trợ 25 triệu đồng/người, loại khá 20 triệu đồng/người và trung bình 15 triệu đồng/người. Cùng với đó, Trung tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường làm việc tốt để khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô có 160 cán bộ nhân viên y tế, trong đó có 41 bác sĩ và 10 bác sĩ có trình độ sau đại học.
Mới đây, dưới sự hỗ trợ toàn diện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật cắt u phì đại lành tính tuyến tiền liệt qua nội soi. Đây là một kỹ thuật cao, hiện đại, trước đây chỉ có thể thực hiện được tại các bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Phan Kim Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô cho biết, hiện nay, Trung tâm đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Nổi bật là các kỹ thuật phẫu thuật chuyên sâu về can thiệp đường tiết niệu như phẫu thuật tán sỏi bàng quang - niệu quản, phẫu thuật nội soi cắt u xơ tuyến tiền liệt, cắt túi mật, phẫu thuật điều trị sa sinh dục trong sản phụ khoa; qua đó, tạo được niềm tin với người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đồng thời, chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện, tuyến xã. Ngành đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tại bệnh viện tuyến tỉnh, khắc phục dần tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến xã; qua đó, trình độ chuyên môn, tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao, tạo vị thế, uy tín của các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương./.