Xã hội

Để người dân, các tổ chức cộng đồng được học tập suốt đời

Sơn La

Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), UNESCO đã tổ chức Hội nghị công bố thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) được ghi danh vào "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu".

Màn hình thời điểm công bố hai thành phố của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Ngày 14/2, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), UNESCO đã tổ chức Hội nghị công bố thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) được ghi danh vào "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các thành phố được công nhận trên toàn cầu.

Thành phố học tập toàn cầu là giải thưởng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO là mạng lưới quốc tế bao gồm các thành phố thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng để chia sẻ cảm hứng, bí quyết và phương pháp tốt nhất cho nhau.

Danh hiệu thành phố học tập của UNESCO được trao tặng nhằm khuyến khích học tập suốt đời và biểu dương các điển hình tiên tiến trong việc xây dựng thành phố học tập. Danh hiệu được trao cho các thành phố đang triển khai các đặc trưng cơ bản của thành phố học tập và đã đạt được kết quả xuất sắc…

Giờ thực hành môn Sinh học của học sinh Trường THPT chuyên Sơn La (thành phố Sơn La), trường đạt chuẩn Quốc gia. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Năm học 2022 - 2023, thành phố Sơn La có hệ thống cơ sở giáo dục được đầu tư đồng bộ tại 12/12 xã, phường, với 51 trường học, trong đó có 41 trường công lập, 10 trường ngoài công lập, với tổng số 975 nhóm, lớp với 33.564 học sinh.

Thành phố Sơn La đã tập trung nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học Cơ sở đối với 100% trẻ trong độ tuổi. Xóa mù chữ mức độ 1 cho 99% số người trong độ tuổi từ 35 đến 60; mức độ 2 cho 100% người trong độ tuổi từ 15 đến 34. Cùng với đó, 100% đơn vị giáo dục chuyển hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Chiềng Lề, thành phố Sơn La, trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Về phát triển giáo dục ngoại ngữ, trung tâm kiểm định của Hội đồng Anh (British Council Vietnam English) được xây dựng, làm tiền đề phát triển môi trường giao lưu hợp tác, hội nhập. Đây là trung tâm kiểm định quốc tế đầu tiên tại khu vực miền núi Tây Bắc.

Bên cạnh đó, thành phố Sơn La luôn giữ gìn, phát huy văn hóa phi vật thể, duy trì 6 điệu Xòe Thái cổ, giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, phục dựng và duy trì các lễ hội, trang phục truyền thống gắn với phát triển các hợp tác xã thêu, dệt thổ cẩm (Lễ hội Xên Mường, Xên Bản, đền thờ Vua Lê Thái Tông).

Theo đánh giá, đến nay, thành phố Sơn La đã đạt 22 tiêu chí; 15 tiêu chí chưa đạt và 9 tiêu chí do chuyên gia chưa đánh giá trên tổng số 46 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.

Sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) tra cứu thông tin, học tập tại thư viện điện tử. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Như vậy, Việt Nam đã có thành phố Vinh (Nghệ An), thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp), thành phố Sơn La (Sơn La), Thành phố Hồ Chí Minh được ghi danh vào "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Sự kiện này là niềm tự hào, là động lực để tỉnh Sơn La tập trung các giải pháp duy trì các tiêu chí sau khi được vinh danh.

Tại Lễ Công bố, Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến nhấn mạnh: Sơn La trở thành thành viên của mạng lưới học tập toàn cầu mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, thành phố sẽ có chương trình, kế hoạch cụ thể để duy trì và đạt được các tiêu chí. Mục tiêu cao nhất của thành phố là tiếp tục nâng cao chất lượng học tập, chất lượng giáo dục và đào tạo, để người dân, các tổ chức cộng đồng được học tập suốt đời. Đây không chỉ là tiêu chí của UNESCO mà cả Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn./.


Quang Quyết

Xem thêm