Theo đó, kế hoạch khảo sát tỷ lệ đọc sách của Thành phố được thực hiện theo hai nhóm đối tượng, là người dân từ 18 tuổi trở lên, đa dạng giới tính, ngành nghề và học sinh đang học tập tại các trường trên địa bàn thành phố.
TTXVN - Ngày 31/10, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND huyện Nhà Bè tổ chức lễ bàn giao sách cho cơ sở trên toàn địa bàn Thành phố và công bố kế hoạch khảo sát tỷ lệ đọc sách của người dân, học sinh tại Thành phố năm 2022 - 2023.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện khảo sát tỷ lệ đọc sách, triển khai thu thập thông tin về thói quen và sở thích, đánh giá các yếu tố tác động đến việc đọc sách.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2022, tỷ lệ bản sách trong cả nước đã đạt 6 bản sách/người/năm. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, con số này còn rất hạn chế. Thành phố là nơi tập trung nhiều đơn vị xuất bản, phát hành, cùng hệ thống thư viện phủ khắp các địa phương và trường học, mật độ dân số trung bình của thành phố cao nhất nước, số học sinh ở các cấp học đông. Để có những tiêu chí đánh giá văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, Thành phố cần thiết thực hiện đo lường tỷ lệ đọc sách, đánh giá thực trạng, thói quen đọc sách của người dân, học sinh.
Theo đó, kế hoạch khảo sát tỷ lệ đọc sách của Thành phố được thực hiện theo hai nhóm đối tượng, là người dân từ 18 tuổi trở lên, đa dạng giới tính, ngành nghề và học sinh đang học tập tại các trường trên địa bàn thành phố. Hoạt động khảo sát thực hiện trong hai giai đoạn Quý IV/2023 và năm 2024, tập trung nội dung về mức độ đọc, thời gian đọc, số lượng, thể loại sách, phương thức đọc.
Kết quả khảo sát là cơ sở để Thành phố đánh giá thực trạng, thói quen đọc sách, đề xuất giải pháp hiệu quả nâng cao tỷ lệ đọc sách, triển khai các chính sách phát triển văn hóa đọc trên địa bàn; củng cố, cải thiện chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc, môi trường đọc; đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân của hoạt động xuất bản tại Thành phố.
Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã trao 12.798 quyển sách, trong đó, có 72 tựa với 3.098 quyển sách lý luận, chính trị, giáo dục truyền thống và sách phục vụ công tác quản lý nhà nước cho các địa phương; trao tặng 10 tủ sách "Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học" cho thư viện Trường Tiểu học ở 5 huyện ngoại thành. Triển khai từ năm 2009, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tại Thành phố góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cơ quan về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách trong toàn xã hội.
Đề cập vai trò quan trọng của sách, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, phát triển văn hóa đọc luôn là nhiệm vụ rất quan trọng. Để hình thành thói quen đọc trong người dân, ngành xuất bản Thành phố cần nghiên cứu, đổi mới phương thức truyền bá các sản phẩm văn hóa đọc, hình thức tiếp cận bạn đọc, trong đó, cần chủ động giới thiệu sản phẩm, cuốn sách hay, có định hướng tốt tới người đọc, đặc biệt là bạn trẻ. Ngành cần xây dựng, tạo môi trường thuận lợi để người đọc có thể đọc sách mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt đưa sản phẩm đến công chúng một cách chủ động chứ không chờ bạn đọc tìm tới./.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- Khảo sát
- tỷ lệ đọc sách