Khoa học

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021 - 2023; nhận diện cơ hội, những rủi ro và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân phải đối mặt trong năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu (bên trái) phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

TTXVN - Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội, với chủ đề ''Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững'' tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021 - 2023; nhận diện cơ hội, những rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) mà nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phải đối mặt trong năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp thực chất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách hữu hiệu giúp khu vực kinh tế tư nhân nắm bắt và tận dụng, cụ thể hóa cơ hội, khắc phục các khó khăn, thách thức, hướng tới thực hiện thắng lợi sứ mệnh là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Chia sẻ về những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, Tiến sỹ Hồ Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, bên cạnh những kết quả, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP (khoảng 46,4%), song tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây và chưa đạt mục tiêu 50% đến năm 2020 theo Nghị quyết 10-NQ/TW. Kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%) với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Khu vực kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân luôn thiếu vốn…

Để giải quyết vấn đề vốn, Tiến sỹ Hồ Tùng Mậu đề xuất, Chính phủ cần xem xét, ban hành một số gói kích thích kinh tế. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất, trong đó đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện gói này. Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khóa, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương. Cụ thể, khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, như vậy sẽ hỗ trợ 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng có đủ điều kiện để vay, phát triển, sản xuất mới như: lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống… Ngoài ra, hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư đối với công trình hạ tầng. Đặc biệt là công trình hạ tầng trọng yếu, hạ tầng trọng điểm quốc gia, sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các đại biểu khách mời trao đổi, thảo luận bàn tròn (Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN)

Về tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ cần quán triệt quan điểm và mục tiêu nâng cao năng lực, tính độc lập, tự chủ trong sản xuất kinh doanh với các nhóm giải pháp. Cơ cấu lại nền kinh tế; sử dụng linh hoạt, hợp lý, hiệu quả các công cụ của chính sách tài khóa, tiền tệ; củng cố ổn định vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biến động bên ngoài. Cùng với đó, tái cơ cấu, nâng cao năng lực, tính độc lập tự chủ trong đầu tư, cải thiện thể chế đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư; sàng lọc, rà soát kỹ, tăng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về khơi thông nguồn lực khoa học, công nghệ, tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cần nhìn nhận rằng trình độ khoa học và công nghệ của nước ta có khoảng cách đáng kể so với các nước nhóm đầu khu vực Đông Nam Á và còn tồn tại những hạn chế cần tiếp tục vượt qua trong giai đoạn tới.

Trong một số lĩnh vực, rào cản lớn nhất đối với việc nhập khẩu công nghệ mới, vật liệu mới chính là thiếu hành lang pháp lý cho việc áp dụng thử nghiệm vào các dự án, dây chuyền sản xuất; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước còn lạc hậu quá xa so với trình độ khoa học và công nghệ của thế giới; thiếu hệ thống đơn giá định mức mở cho việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới.

Do vậy, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, để tháo gỡ được các “nút thắt”, một số giải pháp liên quan tới khoa học - công nghệ, Việt Nam cần thí điểm chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng cho các dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ tiên tiến có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao vào sản xuất kinh doanh, phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Đặc biệt, cần có ưu đãi nguồn vốn vay và thuế cho phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh hoặc công nghệ cao kết hợp công nghệ xanh để thúc đẩy phát triển công nghệ lõi nội tại./.

Diệu Thúy (thực hiện)

Diệu Thúy

Xem thêm