Gầu Tào là một lễ hội độc đáo của người Mông ở Lai Châu có từ rất lâu đời, luôn được bà con trông chờ nhất vào dịp đầu Xuân.
TTXVN - Trong hai ngày 17-18/2, Lễ hội Gầu Tào diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Gầu Tào là một lễ hội độc đáo của người Mông ở Lai Châu có từ rất lâu đời, luôn được bà con trông chờ nhất vào dịp đầu Xuân. “Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi,” ở một số nơi, người Mông còn gọi lễ hội là Say Sán, nghĩa là đạp núi. Tùy từng vùng người Mông, lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau (thường tổ chức từ mồng 3 đến ngày 15 tháng Giêng); nhiều vùng còn chọn tổ chức vào ngày Thìn của đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần.
Nguồn gốc Lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó. Trước đây, việc tổ chức lễ hội do một gia đình đứng ra cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và các già làng, trưởng bản. Gia đình sẽ phải nhờ một người có uy tín, kinh nghiệm là chủ lễ. Người chủ lễ sẽ cùng gia đình chọn một người làm chủ cúng; một đội làm nhiệm vụ bảo vệ lễ hội; một đội phục vụ nấu ăn phục vụ họ hàng, người dân về tham dự lễ hội.
Sau này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng, tổ chức thường xuyên và trở thành lễ hội của cộng đồng, bản làng. Bởi vậy, ngoài việc cầu con, người Mông còn cầu sức khỏe, may mắn; cầu cho mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no, thịnh vượng.
Thời gian mở hội thường được tiến hành liền trong ba năm. Trong ba năm ấy, mỗi năm người ta trồng một cây nêu để đến khi tan hội, một trong ba gia chủ sẽ lấy cây nêu và những vật treo trên cây ấy về để lấy phúc, lấy lộc. Có đám tổ chức ghép (làm một lần luôn cho 2 năm và làm một lần luôn cho 3 năm), nhưng vẫn phải đảm bảo đủ số cây nêu cho 3 chủ lễ. Vì vậy mới có trường hợp có đám cắm 2 cây nêu, có đám cắm 3 cây nêu.
Địa điểm làm Gầu Tào đó là một quả đồi thấp, dốc thoải, đỉnh đồi bằng phẳng tạo nên một bãi rộng. Quả đồi này lại được bao quanh bởi những quả đồi cao hơn. Đồi Gầu Tào phải nằm theo hướng Đông là hướng mặt trời mọc để khi dựng cây nêu có thể đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho gia chủ. Phúc mệnh của gia chủ nằm cả ở đồi Gầu Tào.
Trung tâm của lễ hội Gầu Tào là cây nêu được chọn từ cây Sa Mu. Cây Sa Mu được chọn làm cây nêu phải là cây thẳng đứng, ngọn cây vươn về phía mặt trời mọc và được tỉa bỏ các cành lá ở thân dưới, ngọn cây để nguyên cành lá. Trên ngọn cây nêu người ta treo một miếng vải đỏ, là dấu hiệu mời “ma nhà” (tổ tiên) về dự hội cùng vui với con cháu. Đồng thời là biểu tượng của mặt trời, phản ánh tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp xưa kia.
Để chuẩn bị cho lễ hội Gầu Tào, gia chủ phải chuẩn bị các vật phẩm và đạo cụ múa. Các vật phẩm gồm: rượu, một con lợn, hương, giấy bản và đạo cụ múa khèn, gậy sinh tiền, côn nhị khúc.
Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần: Phần lễ với nghi thức cúng khai hội và nghi thức hát lý mở màn, múa nhạc cụ; phần hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông gồm: thi văn nghệ, nấu thắng cố, giã bánh giầy; các trò chơi bịt mắt đánh chiêng, ném pao, leo cây nêu và thi đấu môn thể thao truyền thống.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Lễ hội Gầu Tào là dịp để nhân dân các dân tộc cùng giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, đồng thời là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua các hoạt động, lễ hội góp phần tuyên truyền và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc khác nói chung trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến du khách trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách thập phương và các nhà đầu tư đến với Lai Châu./.
- Từ khóa:
- Lễ hội Gầu Tào
- Lai Châu
- người Mông
- cây nêu
- cây Samu