Giáo dục

Đổi mới công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong giáo dục

TP. Hồ Chí Minh

Đây là sự kiện được Bộ tổ chức hàng năm, nhằm tuyên truyền, giáo dục, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên, giáo viên và cộng đồng về việc bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Ngày 23/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường của ngành Giáo dục năm 2023.

Đây là sự kiện được Bộ tổ chức hàng năm, nhằm tuyên truyền, giáo dục, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên, giáo viên và cộng đồng về việc bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa” và chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học là “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”. Các chủ đề này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã phát động nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục về bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã được các trường học trong cả nước hưởng ứng tích cực; các hoạt động bảo vệ môi trường như Chủ nhật xanh, Vì một Việt Nam xanh, Hãy làm sạch biển… cũng thu hút đông đảo giới trẻ tham gia hưởng ứng.

Tranh cổ động về bảo vệ môi trường (Ảnh: TTXVN)

Về giải pháp lâu dài, Bộ đã đưa nội dung giáo dục về môi trường, đa dạng sinh học; tài nguyên biển, hải đảo; ứng phó biến đổi khí hậu… vào chương trình các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, tạo dấu ấn trong xã hội.

Từ thực trạng ở nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người. Từ những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị, các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hình thức, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài ra cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường nghiên cứu giữa các doanh nghiệp, huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để phát triển khoa học công nghệ./.

Tin liên quan

Xem thêm