Giáo dục

Đổi mới hình thức xử phạt giúp học sinh thay đổi tích cực

TP. Hồ Chí Minh

Dù ở hình thức nào thì xử phạt, kỷ luật trong trường học đều phải hướng đến việc giáo dục thay đổi nhận thức, hành động của học sinh theo hướng tích cực.

Đọc sách giúp nhiều học sinh thay đổi suy nghĩ, hành động tích cực hơn. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

TTXVN - “Trong lần bị phạt vừa rồi, em đọc cuốn “Little stories” tổng hợp những câu chuyện ngắn bằng tiếng Anh và dịch lại theo yêu cầu của nhà trường. Cảm nhận những nội dung ý nghĩa, những câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc được truyền tải trong cuốn sách giúp em thay đổi suy nghĩ, hành động tích cực hơn để không tái phạm nội quy nhà trường. Sau này em sẽ thường xuyên lên thư viện đọc sách, thay vì bị phạt mới đọc sách”. Đó là chia sẻ của Quang Anh, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) sau khi thực hiện "hình phạt" một giờ đồng hồ đọc sách và viết cảm nhận – một hình thức xử phạt học sinh mới được nhà trường áp dụng.

Cũng như ở nhiều trường khác, trước đây Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích đối với học sinh vi phạm khuyết điểm. Từ đầu tháng 4 vừa qua, nhà trường đã đổi mới hình thức xử phạt học sinh, thay vì viết bản kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích, các em vi phạm quy định sẽ phải đọc một cuốn sách trong các đầu sách nhà trường đưa ra và viết cảm nhận của bản thân. Đây được đánh giá là một hình thức phạt rất mới, mang tính nhân văn và giáo dục tích cực.

Chia sẻ về việc áp dụng hình thức kỷ luật này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho rằng, hiện nay việc xử phạt bằng lao động chân tay không còn phù hợp đối với học sinh vi phạm. Qua "hình phạt" đọc sách, nhà trường tạo điều kiện để các em tiếp cận với những kiến thức, nội dung hay trong mỗi cuốn sách, tác động sâu hơn vào nhận thức của học sinh mà không tạo tâm lý căng thẳng. Tủ sách được nhà trường chọn cho các em đọc là những cuốn sách với nội dung về hạt giống tâm hồn, kỹ năng, tấm gương tốt… Đọc những sách này giúp học sinh hướng đến những điều tốt đẹp, nhìn nhận lại việc làm chưa tốt của mình, từ đó dần dần thay đổi suy nghĩ, hành động. Việc các em viết lên cảm nhận của mình về sách, về suy nghĩ của bản thân cũng giúp thầy cô, phụ huynh hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của học sinh để có sự chia sẻ, định hướng phù hợp.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, đọc sách là dịp để các em xa rời màn hình smartphone, có nhiều thời gian trải nghiệm thực sự với văn hóa đọc. Tiếp cận với thông tin hữu ích từ sách giúp các em có nhận thức đúng, định hướng được hành vi của mình theo hướng tích cực - đó mới là phần gốc và mục tiêu cuối cùng của việc xử phạt học sinh. Thời gian tới, nhà trường sẽ đầu tư thêm đầu sách cho thư viện và bố trí thêm các tiết đọc sách ở thư viện để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong học đường.

Trước đây, các hình thức kỷ luật học sinh được thực hiện gồm phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo học bạ hoặc buộc thôi học có thời hạn tùy vào từng mức độ vi phạm. Hiện nay, việc xử lý vi phạm của học sinh cũng đã có nhiều đổi mới tích cực. Cụ thể, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để các em khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định.

Thời gian qua, việc đổi mới biện pháp xử phạt học sinh vi phạm cũng đã được một số trường học áp dụng, tuy nhiên cũng không ít trường hợp giáo viên còn sử dụng những hình phạt không phù hợp như phạt quỳ gối, dùng kéo cắt tóc học sinh...

Từng là một giáo viên và đang có con trong độ tuổi đi học, chị Nguyễn Thu Phương (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, trước đây việc xử phạt học sinh phổ biến vẫn là chép phạt, lao động công ích, viết bản kiểm điểm… hoặc nặng hơn thì cảnh cáo, buộc thôi học trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng tình với việc áp dụng các hình thức xử phạt mang tính tích cực, tập trung vào việc giáo dục thay đổi nhận thức học sinh nhưng chị Phương cũng cho rằng tùy vào từng hành vi vi phạm của học sinh cần có hình thức linh hoạt, với mức độ phù hợp, đủ tính răn đe.

Ở góc độ tâm lý học, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, dù ở hình thức nào thì xử phạt, kỷ luật trong trường học đều phải hướng đến việc giáo dục thay đổi nhận thức, hành động của học sinh theo hướng tích cực. Đọc sách và viết cảm nhận là một trong những hình thức sáng tạo, nhân văn, hướng đến giá trị tốt đẹp; tạo cơ hội cho học sinh dùng hành động tốt để “chuộc lỗi” cho hành động sai của mình.

Tùy vào mức độ vi phạm, nhà trường sẽ áp dụng biện pháp phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong những trường hợp nhất định cũng cần những hình phạt đủ “độ” để các em có thể nhận thức, quản lý tốt hành vi của mình chứ không nên đánh giá một cách máy móc rằng kỷ luật buộc thôi học là tiêu cực. Điều quan trọng là nhà trường có giải pháp gì để hướng dẫn các em nhìn nhận điều sai và có cơ hội sửa sai, phát triển bản thân mình tốt hơn so với trước. Mỗi giải pháp đều phải hướng đến mục tiêu giúp học sinh tiến bộ hơn, tự rút ra bài học ý nghĩa cho bản thân mình, hình thành thói quen hành động tích cực./.


Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm