Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, qua 10 năm triển khai thi hành Luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp.
(TTXVN) Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Qua 10 năm triển khai thi hành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong chặng đường 10 năm triển khai thi hành Luật, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện Luật trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, việc tổ chức Hội nghị tổng kết Luật tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đặc biệt là trong bối cảnh triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến một cách nghiêm túc, rộng rãi, có sự chuyển biến tích cực về nội dung theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm hàng năm luôn được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương hướng tới đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật.
Trong 10 năm, toàn quốc đã tổ chức hơn 9,4 triệu cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí gần 512 triệu tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Nhiều chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các loại hình báo chí ở trung ương và địa phương được cải tiến, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng...
Luật đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khung khổ pháp lý đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Kết quả thực hiện Luật cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật; góp phần ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; chưa xác định công tác này là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Nguồn nhân lực thực hiện dù được củng cố, kiện toàn nhưng vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải...
Bày tỏ sự nhất trí với báo cáo tổng kết, các đại biểu dự Hội nghị cũng đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới.
Ông Ngô Quang Tiến, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng nhận định, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật càng phải được chú trọng, thực hiện tốt hơn nữa. Việc phát huy vai trò của lực lượng quân đội triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết.
Ông Tiến đề xuất, thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật; cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho công tác này hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, chú trọng xây dựng và phát triển tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong phổ biến, giáo dục pháp luật; đó là các cơ quan chính trị, pháp luật, cơ quan báo chí; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phát triển các hình thức "mềm hóa", ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...
Đại diện Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các cấp ủy Đảng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và thực thi pháp luật, hướng mạnh về cơ sở, tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức, xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở; có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung, hình thức phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; ưu tiên các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội.
Tại Hội nghị, 38 tập thể và 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp./.