Xã hội

Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030

Với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng "bẫy" thu nhập trung bình thấp. Để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi giàu có hơn, chính sách kinh tế của Việt Nam phải cạnh tranh hơn.

Quang cảnh toạ đàm. (Ảnh: Việt Hà/TTXVN)

TTXVN - Ngày 1/3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Fraser (Canada) tổ chức toạ đàm đối thoại chính sách, với chủ đề "Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030".

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận, phân tích các chiều kích phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác dựa trên bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) của Viện Nghiên cứu Fraser (Canada). Đồng thời, rà soát thể chế kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các thể chế liên quan để tìm ra các nút thắt có thể cản trở sự phát triển của Việt Nam khi trở thành nước thu nhập trung bình cao. Qua đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam.

*Đổi mới thế chế kinh tế là vấn đề cấp thiết

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu Đề dẫn toạ đàm. (Ảnh: Việt Hà/TTXVN)

Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Một loạt các bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 tăng lên 3.590 USD vào năm 2021 (theo số liệu của Ngân hàng thế giới). Với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng "bẫy" thu nhập trung bình thấp.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay. Nhà nước vẫn còn can thiệp nhiều vào cơ chế giá thị trường như giá xăng dầu, giá điện, giá vé máy bay, giá y tế… Những can thiệp này đã bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian vừa qua như thiếu hụt xăng dầu, Hãng Hàng không quốc gia và Tập đoàn Điện lực bị thua lỗ nặng nề, các bệnh viện công rơi vào tình trạng thu không đủ chi…

Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn chưa được tốt. Cụ thể, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân. Việc bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chưa xây dựng được khung thể chế bảo về các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số… Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hóa phái sinh… Khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lớn, trong khi tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua bị chững lại.

Đối với các hệ thống văn bản pháp luật, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho rằng vẫn còn chồng chéo, khiến cho việc kinh doanh luôn có nguy cơ vi phạm pháp luật. Bản thân các cán bộ nhà nước cũng gặp nguy cơ vi phạm pháp luật nếu hiểu sai các quy định, dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong xử lý các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp bất động sản gần đây là một ví dụ. Nhiều dự án không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý, bị treo nhiều năm, không được giải quyết.

Do vậy, theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc cần tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Lấy dẫn chứng từ kinh nghiệm của Việt Nam qua những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng khoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo mà chính cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khóa. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế. Việc này đã mang lại cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khỏe mạnh hơn bao giờ hết, như: Dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục năm sau cao hơn năm trước…

* Chính sách kinh tế phải cạnh tranh hơn

Tiến sĩ Fred McMahon, Viện Nghiên cứu Fraser, Canada nhấn mạnh vấn đề tự do kinh tế. (Ảnh: nguồn NEU)

Phân tích về mối quan hệ giữa tự do kinh tế và cơ hội vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, Tiến sĩ Fred McMahon, Viện Nghiên cứu Fraser, Canada cho rằng: Hiện nay là thời đại của tự do thương mại toàn cầu, kinh tế thị trường tự do. Tự do kinh tế đã mang lại những lợi ích lớn lao cho nhân loại. Những nơi nghèo đói hoặc bị tàn phá trước đây như Hàn Quốc, Singapore, Botswana, Chile và Ireland đã trở nên thịnh vượng sau khi tăng cường tự do kinh tế. Những nơi từng thịnh vượng hoặc tương đối thịnh vượng như Argentina, Iran, Venezuela, thậm chí cả Vương quốc Anh trong những năm 1960 và 1970 đã rơi vào tình trạng nghèo đói hoặc rối loạn kinh tế vì giảm tự do kinh tế. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008.

Liên hệ với Việt Nam, Tiến sĩ Fred McMahon chia sẻ, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 6% trong vòng 10 năm qua. Song, khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, tăng trưởng sẽ chậm lại. Việt Nam có lợi thế về vị trí chiến lược, người dân tháo vát, kỷ luật và có học thức. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi giàu có hơn, chính sách kinh tế của Việt Nam phải cạnh tranh hơn.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) đưa ra một số gợi ý về cải cách thể chế kinh tế từ bộ chỉ số tự do kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Nguồn NEU)

Đi sâu vào các vấn đề đặt ra đối với thể chế kinh tế của Việt Nam, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) nhận xét: Nước ta đã tiệm cận nhóm các nước thu nhập trung bình cao ở các chỉ số thành phần như quy mô chính phủ, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, quy định quản lý thị trường tín dụng, lao động và kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cách xa ở các chỉ số thành phần như đồng tiền tốt và thương mại quốc tế.

Với những phân tích trên, ông Đinh Tuấn Minh đưa ra một số gợi ý về cải cách thể chế kinh tế từ bộ chỉ số tự do kinh tế toàn cầu. Với những chỉ số thành phần Việt Nam còn yếu, về đồng tiền tốt, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì ổn định vĩ mô, đảm bảo lạm phát ổn định ở mức 3-4% trong những năm vừa qua. Đồng thời, cần nghiên cứu xem xét lại chế độ tỷ giá hối đoái; cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngoại hối tại các sàn giao dịch; từ đó, cải thiện chỉ tiêu về "tự do sở hữu tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng".

Về tự do thương mại quốc tế, cần rà soát loại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định; kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giảm chi phí thời gian liên quan đến các thủ tục bắt buộc. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài; quy định về visa để mở rộng phạm vi công dân của các quốc gia được miễn visa du lịch vào Việt Nam.

Đối với những chỉ số thành phần Việt Nam đã tương đối tốt, theo ông Đinh Tuấn Minh, về quy mô chính phủ, cần rà soát lại các quy định hợp tác công tư để giảm đầu tư trực tiếp từ nhà nước, thu hút đầu tư tư nhân để cung cấp các dịch vụ tiện ích. Mặt khác, cần rà soát lại các quy định về tài sản công cũng như tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước. Về hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, cần đẩy mạnh cải cách tư pháp để bảo vệ các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV Cấn Văn Lực nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế thị trường tài chính. (Ảnh: Nguồn NEU)

Đặt vấn đề về hoàn thiện thể chế thị trường tài chính, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh: Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, các nghị định, thông tư không còn phù hợp và trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, nước ta cần hoàn thiện thế chế nhằm đảm bảo tách biệt thực chất, hiệu quả giữa chức năng sở hữu và quản lý đối với các định chế tài chính và thị trường tài chính; nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ. Trong xu thế phát triển mới, cần kiến tạo phát triển mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ; tăng cường giáo dục về tài chính và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cũng như tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc hoàn thiện thể chế thị trường tài chính nhằm đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính, là yếu tố then chốt trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. /.

Việt Hà

Xem thêm