Từ xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn, kinh tế thuần nông, đến nay đời sống của đồng bào ở Hẹ Mông có nhiều đổi thay.
(TTXVN) Hẹ Muông là một trong 21 xã của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), có 10 bản, dân số thuộc các dân tộc Kinh, Mông, Khơ Mú, Thái...
Từ xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn, kinh tế thuần nông, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước với các chương trình, dự án đầu tư phù hợp thực tế, đặc biệt là sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng tinh thần vượt khó của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn, đến nay đời sống của đồng bào ở Hẹ Mông có nhiều đổi thay, ấm no hơn, bộ mặt nông thôn mới tại các bản làng có nhiều khởi sắc.
* Bản biên giới Na Côm chuẩn bị vào Xuân
Na Côm là bản xa nhất, cách trung tâm xã Hẹ Muông khoảng 10km. Nơi đây có hơn 100 hộ gia đình dân tộc Mông, Thái với gần 600 người sinh sống, trong đó người Mông chiếm hơn 99% dân số.
Từ năm 1997, những hộ đồng bào Mông đầu tiên từ xã Ảng Cang (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) đã về đây định cư. Quá trình đi tìm đất khai hoang, lập bản khi bắt gặp suối Nậm Hẹ chia cắt, bước chân của những người Mông đã dừng lại và bản Nậm Hẹ được hình thành từ đó.
Trong quá trình phát triển của bản Na Côm, dòng Nậm Hẹ đóng một vai trò quan trọng. Khởi nguồn từ vùng giáp ranh của bản Sơn Tống (xã Na Tông) và bản Púng Bửa (xã Na Ư), của huyện Điện Biên, suối Nậm Hẹ xuôi qua bao đồng ruộng, nhiều cánh rừng trên suốt chiều dài hàng chục cây số.
Trên hành trình này, lượng nước và sức chảy của suối Nậm Hẹ được tiếp thêm độ lớn bởi vô số những khe nhỏ từ những vùng tụ thủy đổ xuống.
Đến bản Na Côm (Hẹ Muông), gặp vách tức, dòng chảy đột ngột vặn mình chuyển hướng rồi hiền hòa chảy qua các bản Nậm Hẹ 1, Nậm Hẹ 2 trước khi hòa vào lưu vực Nậm Núa, xuôi qua nhiều xã phía Nam của huyện Điện Biên, hợp dòng chảy với dòng Nậm Rốm tại địa bàn xã Pom Lót (huyện Điện Biên), qua xã biên giới Pa Thơm rồi đổ sang Lào. Dòng Nậm Hẹ cung cấp phù sa, nguồn nước tưới cho những thung lũng trồng lúa, hoa màu và ao nuôi ở nhiều bản của xã Hẹ Muông.
Đặc biệt, dòng Nậm Hẹ đã góp phần định hình, tạo dựng nên những “tiểu vùng văn hóa” là các bản người Thái sinh sống theo dọc dòng suối như ý nghĩa của câu nói “Người Thái ăn theo nước, người Xá ăn theo lửa” mà dân gian đã lưu truyền từ xa xưa.
Đứng trên lưng chừng núi nhìn xuống, những nếp nhà sàn trong bản Na Côm nằm san sát, quần tụ như những chiếc mai rùa, ẩn hiện trong sương sớm và khói bếp. Trong bản, những rặng cây trạng nguyên bên hiên, trước nhà, dọc hai bên đường trổ màu đỏ rực.
Những thiếu nữ người Mông đang tất bật với việc giặt, phơi quần áo. Dịp cuối năm, các điểm bán lẻ hàng hóa trong bản có nhiều người ra, vào mua hàng hơn.
Trên con đường trục chính liên bản, những chuyến xe máy chở nặng nông sản ngược, xuôi. Ngoài sân vườn, những người đàn ông đang chẻ củi chuẩn bị nguồn chất đốt cho gia đình trong những ngày nghỉ Tết. Trên những khoảng đất trống, từng tốp em nhỏ đang nô đùa, chơi chọi cù.
Bên hiên nhà, những phụ nữ khéo tay, chăm chỉ đang cắt vải, may vá, thêu thùa trang phục. Âm thanh của tiếng máy xay xát cũng tạo nên sự sôi động cho không gian bản làng. Diện mạo bản Na Côm hôm nay đã khang trang hơn với những ngôi nhà mới, công trình xã hội kiên cố được xây dựng ngay trung tâm bản.
Ngồi chẻ củi cùng vợ bên hiên căn nhà gỗ truyền thống của người Mông, anh Vàng A Só, người dân bản Na Côm cho biết, gia đình anh có 5 người con, một cháu đã lập gia đình, 4 cháu còn lại đang đi học. Để phát triển kinh tế gia đình, có tiền chăm lo cho các con ăn học, vợ chồng anh trồng lúa nước, ngô, sắn, đào ao thả cá, nuôi gia súc, gia cầm.
Từ nhiều năm trước, gia đình anh đã có xe máy, tivi, máy khâu... Chỉ tay về phía đống củi cao hơn đầu người được sắp xếp ngay ngắn, che đậy cẩn thận, anh Só cho biết: Các gia đình trong bản đều tích trữ đủ lượng củi để làm chất đốt trong thời gian Tết, nghỉ ngơi, du xuân, chúc Tết...
Trong những ngày Tết, đồng bào sẽ chơi các trò chơi truyền thống như kéo co, đẩy gậy, đánh cù; thanh niên trai gái thì rủ nhau ném pao, hát đối đáp, thổi kèn lá, biểu diễn khèn Mông. Từ nhiều ngày qua, anh Só cùng các hộ gia đình trong bản đã lên trang trại bắt bò đực về bản để nuôi nhốt, chăm sóc với chế độ dinh dưỡng tốt hơn để bò có sức khỏe.
Dịp Tết thì các hộ gia đình có bò đực sẽ dắt bò đi “chọi” để dân bản cùng xem. Con bò nào to, khỏe, thắng nhiều trận sẽ được chọn để mang sang bản khác “thi chọi”.
Gần Tết là thời điểm các bà, các mẹ, chị em ở bản Na Côm bận rộn hơn với việc may vá, thêu khăn, mũ, quần áo mới để phục vụ các thành viên trong gia đình. Bên hiên căn nhà gỗ rộng rãi, vững chắc, bà Vừ Thị Sông và con dâu - chị Cứ Thị Nhia đang cùng nhau đo, cắt vải.
Đầu bản, chị Lý Thị Dí, chủ cơ sở cắt may cũng tất bật hơn, luôn tay bận bịu với việc cắt vải, may quần áo truyền thống bằng chiếc máy khâu để bàn giao đúng lịch hẹn.
Chị Lý Thị Dí cho biết: Từ tháng 11 hằng năm, nhu cầu về quần áo, khăn mũ mới của người dân trong bản tăng nhiều nên chị phải dành cả buổi trưa để tranh thủ cắt, may sản phẩm kịp thời gian cho khách và các thành viên trong gia đình.
Ngoài việc chuẩn bị quần áo, khăn mũ mới, các chị em cũng chuyên tâm lựa chọn những thúng hạt ngô để chuẩn bị làm “mèn mén”, món ăn truyền thống của người Mông trong dịp lễ, Tết. Cánh đàn ông thì cặm cụi với việc lau chùi cối, chày gỗ để giã bánh giày trong những ngày Xuân.
Trưởng bản Na Côm Vàng A Dia cho biết: Trước đây, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Nay thì khác rồi, điện lưới quốc gia đã về bản từ nhiều năm trước, đường giao thông nối với trung tâm xã Hẹ Muông đã được kiên cố hóa, tạo tiền đề, sức bật cho người dân vùng sâu Na Côm phát triển mọi mặt. Sự hiện diện của những cây cầu treo vững chắc bắc qua suối Nậm Hẹ đảm bảo giao thông đi lại thông suốt các mùa trong năm.
Khi bản làng có điện, nhiều hộ gia đình đã mua sắm máy móc để phục vụ nông nghiệp, giải phóng sức lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều gia đình mua tivi để xem, mở mang kiến thức, mua tủ lạnh để bảo quản, dự trữ thức ăn...
Điều làm chúng tôi ấn tượng là sự đoàn kết, tính cộng đồng cao của người dân nơi đây. Vào tháng 8/2022, các bản Na Côm, Nậm Hẹ 1, Nậm Hẹ 2, Pá Hẹ, Lọng Sọt đã phải hứng chịu trận lũ ống, lũ quét lớn nhất trong lịch sử.
Dòng Nậm Hẹ đã cuốn trôi các bãi màu, gần 30ha ruộng bị thiệt hại trên 70%, nhiều ao cá của người dân bị cuốn trôi, gia súc, gia cầm bị chết… Khi lũ ống, lũ quét đi qua, bản làng Na Côm ngổn ngang, tiêu điều.
Chính quyền địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo người dân các bản vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, chuồng trại; san lấp, tu sửa, tái sử dụng lại ruộng vườn, bãi màu chuyên canh để sớm hồi sinh diện mạo bản làng, phục hồi chuỗi sản xuất kinh tế tại các bản.
* Đổi thay ở vùng khó Hẹ Muông
Trên trục đường về lại trung tâm xã Hẹ Muông, đi qua các bản Nậm Hẹ 1, Nậm Hẹ 2 có thể thấy rõ những thiết chế văn hóa đang được cộng đồng dân tộc Thái, Khơ Mú bảo tồn, gìn giữ vẹn nguyên.
Các cổng bản được dựng lên kiên cố, cắm cờ nhiều màu sắc, có những khẩu hiệu về bảo vệ rừng, xây dựng bản làng văn hóa. Đặc trưng của những ngôi nhà ở đây là nhà sàn gỗ truyền thống. Những lá cờ Tổ quốc được người dân cắm trước cửa hay bên hiên nhà, tung bay trong nắng sớm.
Trong bản, nhiều hộ dân sau quá trình tích lũy tài chính đã dựng nhà sàn mới. Xung quanh nhà là những khu vườn trồng rau xanh, cây gia vị, cây ăn quả… được chăm sóc, dựng bờ rào che chắn kỹ càng. Những mô hình VAC được nhiều hộ gia đình thực hiện rất hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông Trần Thế Hoàn cho biết: Năm 2013, khi chia tách từ xã Núa Ngam, Hẹ Muông là “vùng trũng” phía Nam huyện Điện Biên với xuất phát điểm rất thấp.
Địa bàn chủ yếu là đồi núi, nhiều sông suối chia cắt, giao thông không thuận tiện, đất sản xuất lại ít, độ dốc cao nên rất nhanh bạc màu. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư tại địa phương rất thấp, kết cấu hạ tầng nhiều hạn chế… Những yếu tố đó là “rào cản” rất lớn cho sự phát triển mọi mặt tại địa phương.
Thế nhưng, sau gần 10 năm, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Diện mạo nông thôn ở các bản đã đổi thay; hạ tầng, cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương.
Toàn xã có tổng diện tích cây nông nghiệp hơn 920 ha, trong đó lúa đông xuân 130 ha, lúa mùa và lúa nương hơn 80 ha, gần 90 ha ngô, hơn 51 ha cây rau màu, gần 30 ha cây công nghiệp và cây trồng khác. Bức tranh về chăn nuôi khởi sắc với hơn 3.220 con gia súc, gần 21.700 con gia cầm, hơn 35 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Xã đã thành lập được Tổ hợp tác thủy lợi, đảm bảo hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Cùng với đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được thành lập đã tạo nên một mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững.
Ban xóa đói giảm nghèo xã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức trong việc tuyên truyền vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng tiềm năng, lợi thế tại các bản để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập. Hiện nay, hộ nghèo trong xã chỉ còn hơn 19%.
Khởi nguồn từ nhiều khó khăn, đến nay Hẹ Muông đã đạt được 16/19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề để nhiều lĩnh vực khác của xã phát triển. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt gần 30 triệu đồng/người/năm; 8/10 bản đã có loa phóng thanh. Khởi nguồn từ nhiều khó khăn, đến nay Hẹ Muông đã đạt được 16/19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề để nhiều lĩnh vực khác của xã phát triển. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt gần 30 triệu đồng/người/năm; 8/10 bản đã có loa phóng thanh.
Trong năm 2022, toàn xã đã triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gần 70 hộ dân, có 7/10 bản đạt bản văn hóa, gần 540 hộ đăng ký gia đình văn hóa. Vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đã được chính quyền địa phương quan tâm, mở nhiều lớp dạy nghề, tạo chất lượng cho nguồn lực lao động.
Nhiều năm trước, con em các dân tộc trong bản phải đi hàng chục km để đến trường, nay việc đến lớp của các cháu không còn vất vả nữa. Trên địa bàn xã đã có trường tiểu học, trường mầm non trung tâm và những điểm trường “vệ tinh” ở các bản, tạo điều kiện rất thuận lợi cho con em theo học.
Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông Trần Thế Hoàn cho biết: Thời gian tới, địa phương đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng phát triển và khai thác tiềm năng Khu du lịch hang động Chua Ta - danh thắng cấp quốc gia.
Xã cũng khuyến khích xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các bản, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thái du lịch tìm hiểu về nền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Xã sẽ phát triển các thành phần kinh tế bằng việc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là các trang trại nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, tạo ra những sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thành lập các HTX liên kết làm ăn, phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa./.
- Từ khóa:
- Đổi thay
- phát triển ở hẹ muông điện biên