Năm 2023: Thái Nguyên khẳng định vị thế trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc
Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong top những tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư FDI, chuyển đổi số..
(TTXVN) Năm 2022 đã khép lại trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, tạo nhiều thách thức mới cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực...
Song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Thái Nguyên - tỉnh cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong top những tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư FDI, chuyển đổi số... góp phần tiến tới hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025.
* Tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm an sinh xã hội
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tính đạt 8,59%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 107 triệu đồng (tương đương 4.575 USD)/người/năm); thu ngân sách ước đạt 18.540 tỷ đồng, bằng 127,4% so với dự toán Bộ Tài chính giao; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 930 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước; tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 32 tỷ USD. Năm 2022, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.000 tỷ đồng.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài FDI, Thái Nguyên vẫn là tỉnh đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc khi cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 1,5 tỷ USD. Cùng với phát triển công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh năm 2022 ước đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 4,14% so với năm 2021; sản lượng chè búp tươi - cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh ước đạt 260,1 nghìn tấn.
Trong xây dựng nông thôn mới, năm 2022, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 119 xã, đạt 86,9% tổng số xã nông thôn của toàn tỉnh. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh đã có thêm 44 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 4 sao, nâng tổng số sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao trên địa bàn tỉnh là 173 sản phẩm...
Bên cạnh những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) của toàn tỉnh còn 4,35%, giảm 1,79% so với năm 2021.
Điểm nổi bật trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội là việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao. Thống kê bước đầu cho thấy, trong năm qua, toàn tỉnh đã giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 3.200 đơn vị và trên 171.000 lượt người với tổng số tiền trên 60 tỷ đồng; hỗ trợ 11 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với hơn 201.000 lượt người và tổng số tiền hỗ trợ 484 tỷ đồng.
Chương trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên; tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên lên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm qua là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò là động lực cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng công nghiệp địa phương đạt mức cao và vượt mục tiêu kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn được kiểm soát, hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng trở lại, đặc biệt là hoạt động du lịch, phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định. Tình hình an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai quyết liệt...
* Giữ vững vị thế trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc
Bước vào năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu thích ứng với tình hình mới, giữ vững sự ổn định của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh, đẩy mạnh cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định đời sống nhân dân. Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phía Nam của tỉnh, trọng tâm là các dự án có tính liên kết, kết nối vùng, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án có tính chất lan tỏa, phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tăng cường thực hiện chuyển đổi số...
Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,5%, giá trị xuất khẩu tăng 9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 10% so với thực hiện năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở lên, có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra cũng như tiếp tục duy trì vị thế trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường kết nối liên kết vùng với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô để tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào tỉnh.
Ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: 2023 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện điều tiết về ngân sách Trung ương với tỷ lệ 4%. Do vậy, tỉnh tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, thực hiện tốt công tác chống thất thu ngân sách, xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng thuế...
Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế cho phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI); đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh và của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
Tỉnh tiếp tục cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chè Thái Nguyên...
Trong phát triển công nghiệp, Thái Nguyên tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu trong ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, Khu công nghiệp Tây Phổ Yên, Khu công nghiệp Phú Bình... gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại.
Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ và thị trường tiêu thụ hàng hóa, tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, về nguồn ATK Định Hóa.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Một mùa Xuân mới đang về, quê hương cách mạng Thái Nguyên đang đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế "đầu tàu" của khu vực Trung du miền núi phía Bắc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.