Thị xã Đông Triều hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu “thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững”.
TTXVN - Cùng với mục tiêu trở thành điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Quảng Ninh, thị xã Đông Triều phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 85 triệu đồng/người/năm; duy trì các xã không có hộ nghèo. Đặc biệt, thị xã hướng đến mục tiêu xây dựng người nông dân văn minh, nông thôn thông minh, hiện đại.
Người dân thôn Đìa Mối, xã An Sinh yên tâm hơn khi xã lắp hệ thống camera an ninh giám sát tại các tuyến đường, khu vực trung tâm, nhờ đó tệ nạn đã giảm rõ rệt. Trung úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Công an xã An Sinh cho biết, trước đây tại thôn Đìa Mối thường xảy ra tình trạng trộm cắp. Nhiều lần nửa đêm, rạng sáng người dân phải gọi điện lên trực ban Công an xã để phản ánh vụ việc. Từ khi có camera an ninh, các vụ trộm cắp giảm hẳn. Nếu trước đây mỗi năm có khoảng 20 vụ thì sau khi có camera giảm được hơn một nửa. Hệ thống giám sát còn giúp Công an xã theo dõi những tuyến đường trọng yếu của xã, kiểm soát giao thông, phương tiện chở quá khổ quá tải...
Để giám sát, nắm bắt an ninh trật tự trên địa bàn xã thuận lợi, hệ thống màn hình được lắp đặt tại phòng của một Phó Chủ tịch UBND xã và trụ sở Công an xã. Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh Hoàng Xuân Nam cho hay, xã lựa chọn thôn Đìa Mối để xây dựng thôn thông minh, trong đó đã triển khai các tiêu chí, số hóa số nhà để quản lý theo hướng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống camera giám sát. Đến nay xã đã lắp 18 mắt camera tại thôn. Xã cũng vận động thành lập các nhóm zalo để cập nhật thông tin, chính sách đến nhân dân nhanh chóng. Các nhà văn hóa thôn đều được lắp đặt hệ thống wifi miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập.
Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được nhân dân thị xã đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay 100% xã đã vận động nhân dân tham gia xã hội hóa camera gắn với hệ thống an ninh của Công an xã. Đối với những nội dung khác, thị xã thực hiện theo cơ chế Nhà nước đầu tư 70%, nhân dân tham gia đóng góp 30%.
Xác định lấy người dân là chủ thể, thị xã Đông Triều hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu “thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Ngay từ đầu năm 2023, thị xã đã tập trung ưu tiên nguồn lực cho 2 xã Tràng Lương và xã Hồng Thái Tây để xây dựng hạ tầng thiết yếu như cải tạo, nâng cấp trường học; hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng mô hình nông thôn thông minh.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều Lê Văn Độ cho biết, thị xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, phấn đấu hoàn thành trong cuối năm 2023. Thu nhập của người dân Đông Triều năm 2023 đang dần tiệm cận mức gần 100 triệu đồng/người/năm. Để thu nhập của người dân đảm bảo tính bền vững, thị xã sẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai đề án về cây ăn quả, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nuôi cá nước ngọt... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, khu vực nông thôn. Đông Triều là địa phương có vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với nhiều phẩm OCOP như gạo nếp cái hoa vàng, nấm Long Hải, sữa chua An Sinh, sữa chua Đông Triều, na dai, vải thiều...
Để huy động nguồn lực xã hội hóa, thị xã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ bằng việc hiến đất, các công trình, ngày công, đảm bảo ít nhất 30% xã hội hóa, phần còn lại là ngân sách từ Nhà nước và các nguồn khác./.
- Từ khóa:
- Đông Triều
- Quảng Ninh
- nông thôn mới kiểu mẫu