Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng tại huyện Bình Chánh không áp giá bồi thường đất từ năm 2008
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương vào năm 2008 với quy mô 74 ha, được chia thành 2 giai đoạn.
TTXVN - Chiều 14/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Những nội dung chính được đề cập liên quan đến việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư để làm Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh); tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp xen cài trong khu dân cư hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đã được đại diện các sở, ngành trao đổi, thông tin.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương vào năm 2008 với quy mô 74 ha, được chia thành 2 giai đoạn. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện do vướng mắc các vấn đề về giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân… Vướng mắc lớn nhất là do một số hộ dân thuộc diện giải tỏa không đồng thuận với mức giá bồi thường thu hồi đất. Một số người dân cho rằng, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh đang áp dụng đơn giá thời điểm ban hành phương án bồi thường từ năm 2008 để thực hiện bồi thường đất.
Trước thông tin trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và Tân Nhựt thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2003. Trong đó, giá đất để tính bồi thường hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo bốn công văn của UBND Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Công văn số 2966/UBND-ĐTMT (ngày 21/6/2011); Công văn số 4815/UBND-ĐTMT (ngày 27/9/2011); Công văn số 514/UBND-ĐTMT (ngày 9/2/2012) và theo Quyết định số 8059/QĐ-UBND (ngày 17/11/2011) của UBND huyện Bình Chánh. Như vậy, công tác bồi thường cho dự án này không phải áp dụng đơn giá từ năm 2008.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng tại huyện Bình Chánh được thực hiện theo Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư số 103/PABT-HĐBT, được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 2505/QĐ-UBND (ngày 22/5/2012). Theo quy định hiện hành (khoản 6 Điều 210 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 34 Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, khoản 2 Điều 2 Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND của UBND Thành phố), đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt sẽ thực hiện theo chính sách, phương án đã phê duyệt.
Đối với vấn đề nhiều cơ sở, doanh nghiệp xen cài trong khu dân cư hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt 20 đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm xen cài trong khu dân cư, tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là việc cơ sở, doanh nghiệp xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép; thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường; không nộp hồ sơ cấp quyền khai thác nước dưới đất; nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác nước dưới đất không đúng thời hạn và không có giấy phép môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gặp một số khó khăn nhất định do vi phạm chỉ ở mức phạt tiền, không buộc phải ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường để chấp hành quyết định xử phạt, hoặc khắc phục hậu quả và di dời. Đối với các trường hợp bị đình chỉ hoạt động, buộc di dời công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, cơ quan chức năng tiến hành niêm phong máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Tuy nhiên, các đối tượng này đã tự tháo bỏ niêm phong để tiếp tục sản xuất, khóa trái cửa không làm việc với đoàn kiểm tra…, dẫn đến việc xử lý vi phạm rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều công sức để ngăn chặn tái phạm.
Trong tháng 5/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 3811/STNMT-CCBVMT gửi Ban quản lý Khu Công nghệ cao, UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện về thực hiện kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các quận/huyện đã kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số quận, huyện sau đó đã có báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở ban hành Công văn số 3997/STNMT-CCBVMT gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, quận Bình Tân đề nghị thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp kinh doanh sản xuất xả nước thải ra các tuyến kênh.
Trong thời gian tới, Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý về môi trường chung của Thành phố. Qua đó, công tác kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường giữa sở, ngành, quận, huyện, thành phố và đơn vị có liên quan được thuận tiện, kịp thời. Sở tăng cường thanh, kiểm tra, phối hợp với các phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo kế hoạch trong năm 2023; kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm, nguồn thải lớn; xây dựng kênh liên lạc với cộng đồng xung quanh để thông báo về các hoạt động sản xuất và lắng nghe ý kiến, phản hồi từ cư dân.../.
- Từ khóa:
- Dự án
- Bệnh viện Nhi đồng
- huyện Bình Chánh