Du lịch

Đưa Sóc Sơn trở thành một trong những trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội

Hà Nội

Sóc Sơn đang tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả du lịch, trong đó chú trọng phát triển không gian văn hóa du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2025 - 2030.

Chuyên gia du lịch hướng dẫn ứng xử văn minh du lịch đến người dân huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

TTXVN - Ngày 28/9, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị triển khai ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng nhằm đưa Sóc Sơn trở thành một trong những huyện trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội.

Tại Hội nghị, chuyên gia du lịch đã tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, đồng thời hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho người dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, làng nghề truyền thống, gắn với phát triển nông nghiệp và nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đang tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả du lịch, trong đó chú trọng phát triển không gian văn hóa du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2025 - 2030.

Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Đức Thuận, Sở sẽ phối hợp cùng huyện Sóc Sơn ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn), tập trung ưu tiên dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài, đường Vành đai 4, khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan…; phối hợp xây dựng các tuyến du lịch kết nối các điểm đến trong khu vực 3 huyện (Sóc Sơn - Mê Linh - Đông Anh) và các điểm đến tại các quận, huyện lân cận, các tỉnh, thành phố khác, bảo đảm hình thành các tuyến du lịch hoàn chỉnh, có thời gian lưu trú dài ngày.

Sóc Sơn là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên văn hóa khi sở hữu hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn, nằm xen kẽ nhau tạo thành cảnh quan thiên nhiên phong phú, trữ tình. Hệ thống núi, đồi hùng vĩ, với hệ sinh thái đa dạng và các cánh rừng thông lớn như núi Sóc, núi Đôi..., các hồ chứa nước rộng lớn như hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn… tạo nên nét khác biệt cho Sóc Sơn. Toàn huyện có 341 Di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự, với 174 lễ hội được tổ chức hàng năm, trong đó có một Di tích quốc gia đặc biệt, 16 Di tích quốc gia, hai Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới (Lễ hội Gióng đền Sóc, Nghi lễ và trò chơi kéo mỏ Xuân Lai). Huyện đang phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao…

Nằm trong nghiên cứu không gian quy hoạch du lịch của thành phố Hà Nội đến năm 2030, cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan (huyện Sóc Sơn) được xác định là một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của thành phố với các sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch tâm linh gắn với hội Gióng và hệ thống đền chùa, các công trình tôn giáo; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò...; du lịch thể thao, vui chơi giải trí, Trường đua ngựa Sóc Sơn. Dự kiến, quy mô cơ sở lưu trú của cụm du lịch đến năm 2030 là 5.000 buồng phòng.

Sóc Sơn ưu tiên đầu tư, phát triển Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng Trường đua ngựa, Dự án Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Thung lũng xanh; đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và du lịch tâm linh, quảng bá các sản phẩm OCOP, ẩm thực gắn với du lịch tiêu biểu. Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng liên kết với huyện Mê Linh, Đông Anh tập trung phát triển sản phẩm du lịch thể thao, du lịch vui chơi giải trí, phát triển các tổ hợp vui chơi giải trí đêm, trung tâm mua sắm Outlet, tổ hợp thể thao kết hợp du lịch, tổ hợp biểu diễn văn hóa kết hợp du lịch..../.


Đinh Thuận

Xem thêm