Qua ngày 30/4, nếu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn còn thi công và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chính thức, tỉnh sẽ xem xét, căn cứ trên các quy định pháp luật để tiếp tục gia hạn, đảm bảo đất đắp phục vụ dự án.
TTXVN - Ngày 14/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết đã chấp thuận gia hạn thời gian cải tạo 4 mỏ đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đến ngày 30/4/2023. Văn bản này được ký ban hành ngày 12/4/2023. Như vậy, các đơn vị thi công cao tốc chỉ có 18 ngày để khai thác nguồn đất đắp.
Tỉnh yêu cầu, các đơn vị được cấp phép khai thác thực hiện nghiêm theo phương án cải tạo đất nông nghiệp chỉ để phục vụ thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Sau khi hoàn thành lấy đất đắp, các đơn vị liên quan phải cải tạo đất và phân tích mẫu đất đảm bảo chất lượng để thực hiện hoàn thổ, cải tạo đất, trồng cây theo phương án được duyệt.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, thời gian gia hạn như trên là do Bộ Giao thông Vận tải ấn định đến ngày 30/4/2023, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành. Vì vậy, không còn lý do để tiếp tục khai thác đất san lấp. Qua ngày 30/4, nếu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn còn thi công và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chính thức, tỉnh sẽ xem xét, căn cứ trên các quy định pháp luật để tiếp tục gia hạn, đảm bảo đất đắp phục vụ dự án.
Theo đánh giá của Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngành chức năng Đồng Nai đã nỗ lực trong việc giải quyết nguồn đất đắp phục vụ dự án. Tỉnh gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp đáp ứng mong mỏi của các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, thời gian gia hạn 18 ngày là quá ngắn. Các nhà thầu không thể khai thác đủ đất phục vụ dự án trong khoảng thời gian này. Ban điều hành dự án sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho thêm thời gian gia hạn để tháo gỡ nguồn đất đắp.
Đại diện liên danh gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, trước đây, việc vận chuyển đất dễ dàng nên các nhà thầu có thể huy động nhiều máy móc, phương tiện đồng loạt khai thác đất. Hiện nay, tuyến chính cơ bản đã xong nên xe chở đất phải hạn chế lưu thông. Vì vậy các xe này phải di chuyển theo các đường dân sinh, xen lẫn khu dân cư tập trung nên khó đáp ứng yêu cầu về tải trọng, tốc độ.
Năm 2020, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với chiều dài 99 km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai khởi công. Để giải quyết nhu cầu đất đắp, đầu năm 2022, Đồng Nai cho phép chủ đầu tư cao tốc cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ dự án, thời gian khai thác đến cuối năm 2022. Sau khi hết hạn, chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã đề nghị tỉnh gia hạn khai thác. Tuy nhiên, địa phương chưa thể quyết định vì thời gian này, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu dự án giao thông; trong đó, có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Tháng 3/2023, Chính phủ có văn bản yêu cầu, Đồng Nai cho phép tiếp tục giải quyết việc cung cấp vật liệu san lấp phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Sau đó, tỉnh đã tổ chức họp bàn, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương trước khi quyết định gia hạn thời gian cải tạo các mỏ đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ dự án.
Hiện cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn thiếu hơn 600.000 m3 đất đắp để xây dựng đường dẫn lên các cầu vượt và đường gom./.