Môi trường

Nguy cơ cháy rừng trên địa bàn An Giang ở cấp cực kỳ nguy hiểm

An Giang

Từ hệ thống cảnh báo cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dự báo cháy rừng trên địa bàn đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Lực lượng chức năng sử dụng thiết bị bay để kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

TTXVN - Thời tiết trên địa bàn An Giang đang là mùa khô hạn kéo dài. Dự báo có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng. Nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm trên địa bàn. Từ hệ thống cảnh báo cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dự báo cháy rừng trên địa bàn đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.870 ha; trong đó, rừng đặc dụng 1.577 ha, chiếm 9,35% diện tích đất lâm nghiệp; rừng phòng hộ 11.550 ha, chiếm 68,47% diện tích đất lâm nghiệp; rừng sản xuất 3.741 ha, chiếm 22,18% diện tích đất lâm nghiệp.

Rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng biên giới.

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, mùa khô hạn 2023, An Giang đã khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng với diện tích gần 7.370 ha, chiếm hơn 43% tổng diện tích rừng của địa phương.

Huyện Tịnh Biên có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng với diện tích 2.912 ha gồm: Rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực Latina - Tà Lọt thuộc Núi Cấm, khu vực núi Gài nhỏ…Thành phố Châu Đốc có gần 50 ha rừng thuộc khu vực Núi Sam được cảnh báo dễ xảy ra cháy rừng. Huyện Tri Tôn với diện tích hơn 4.000 ha có nguy cơ cháy cao, gồm vùng đồi núi với diện tích 2.550 ha và vùng đồng bằng hơn 1.856 ha (như: Rừng Tràm Bình Minh, rừng Tràm Tân Tuyến, rừng Tràm Lâm trường tỉnh đội, đồi 81, đồi 400, đồi Tức Dụp)…

Để phòng, chống cháy rừng ở các huyện miền núi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai các kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương cao điểm mùa khô. Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, các lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm và chủ rừng trên địa bàn quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Đồng thời, tỉnh đã triển khai hai kế hoạch bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng năm 2023; các huyện triển khai 4 kế hoạch về nội dung này. Các tổ chức có rừng đã xây dựng và hoàn thành 3/3 phương án bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng năm 2023.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang nêu rõ, với diện tích rừng đồng bằng (như các rừng tràm: Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường Tỉnh Đội, Tân Tuyến…), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.

Chi cục tăng cường bố trí lực lượng xuống các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để người dân biết và đề phòng.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến ngày 1/4/2023, địa bàn đã xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích 5,79 ha. Trong đó, cháy rừng xảy ra ở khu vực rừng đồi núi 9 vụ với diện tích 0,79 ha; khu vực rừng tràm đồng bằng xảy ra 3 vụ cháy với diện tích 5 ha. Các vụ cháy đã được lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm và chủ rừng kịp thời phát hiện, xử lý./.

Thanh Sang

Xem thêm