Hội nghị thường niên là cơ hội để xây dựng, củng cố mối quan hệ, kết nối các chủ thể công tư và cộng đồng, nhằm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và quản lý chất thải nhựa.
TTXVN - Chiều 12/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội nghị lần 2 của Nhóm công tác thực hiện Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 30 nhà lãnh đạo, đại diện cấp cao từ các bộ, ngành, đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội...
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Trưởng Nhóm công tác cho biết, Hội nghị lần 2 của NPAP là dấu ấn quan trọng ngay trước phiên họp tiếp theo của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC2) khi các mục tiêu giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu sẽ được ràng buộc.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, có ba giải pháp can thiệp chính cần được Việt Nam thực hiện để đạt mục tiêu quốc gia giảm thiểu rác thải nhựa đại dương 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030, bao gồm tập trung giảm thiểu và thay thế nhựa, mở rộng năng lực tái chế mang lại hiệu quả kinh tế và mở rộng khu vực thu gom, xử lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt cũng như ngừng xả rác bừa bãi.
Đây cũng chính là các giải pháp được đề xuất từ báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam” của NPAP, dưới sự hỗ trợ của Chương trình đối tác hành động Toàn cầu về Nhựa do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thành lập và đã được công bố trực tuyến trước hội nghị.
Báo cáo đã nêu ra những hành động kiến nghị tới các thành viên trong mạng lưới NPAP nhằm hỗ trợ Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
“Hội nghị thường niên là cơ hội để xây dựng, củng cố mối quan hệ, kết nối các chủ thể công tư và cộng đồng, nhằm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và quản lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội, động lực cho Việt Nam triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức với việc ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói.
Đánh giá cao hành động của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa, bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình đối tác hành động Toàn cầu về Nhựa và Chương trình Tuần hoàn nguồn lực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Tiềm năng to lớn từ nền tảng đa chủ thể của NPAP, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ tập hợp chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu cùng hợp tác chặt chẽ để thực hiện mục tiêu của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa”.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc đặt ra mục tiêu thể hiện quyết tâm nhằm quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn, đã được đề cập tại Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2023. "Việc thực hiện mục tiêu này sẽ chỉ khả thi với những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp của các bên", bà Ramla Khalidi nhận định.
Hội nghị thường niên của Nhóm công tác đã trình bày những kết quả NPAP Việt Nam đạt được trong hai năm qua cùng kế hoạch hoạt động năm 2023, trong đó định hướng thành lập các Nhóm kỹ thuật tập trung thúc đẩy chính sách, đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính, giới và phát triển toàn diện trong kế hoạch thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.
NPAP được thành lập theo thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động./.