An sinh

Gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng Vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

TTXVN - 5 tháng đầu năm, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn đã tác động trực tiếp đến công tác an sinh xã hội cũng như hoạt động của toàn ngành Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thông tin trên được Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý II/2023, diễn ra chiều 5/6.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với khoảng 17,47 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong điều kiện hết sức khó khăn, số người ra khỏi lưới an sinh không nhỏ, nhưng so với số phát triển mới thì tỷ lệ này vẫn tăng lên.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,69 triệu người tham gia, tăng 4,43 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

“Điều này cho thấy, độ bao phủ bảo hiểm y tế là bền vững, tạo tiền đề cho ngành hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra là trên 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.

Đáng chú ý, mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội tăng, nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Ngành Bảo hiểm Xã hội đã giải quyết trên 26 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; gần 548 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết cho trên 3,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho trên 376 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 368 nghìn người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.995 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện tốt công tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho 69,7 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số chi 47.466 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính xử lý nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế và kinh phí hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khó khăn vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các trang thiết bị này cơ bản được giải quyết.

Phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại chợ Hạ Long, thành phố Nam Định. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay, 5 tháng đầu năm, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và số tiền chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế so với cùng kỳ tăng trên 30%. Dự kiến đến hết năm có hơn 170 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Sở dĩ có con số tăng này là do năm 2022 ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người không đi khám, chữa bệnh, khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Con số này dồn lại vào đầu năm 2023.

Đảm bảo công tác chi trả cho người thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng duy trì an toàn các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm hồ sơ, thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm Xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngành thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ (trực tuyến, trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích) vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Nhờ đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thông tin, truyền thông chính sách đã góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các cấp, các ngành; tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện và củng cố thêm niềm tin, sự yên tâm của nhân dân vào chính sách./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm