Giải “bài toán” nguồn nhân lực, tạo đột phá phát triển: * Bài 1: Đáp ứng nhu cầu thực tế
Sóc Trăng hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Song hiện nay, tỉnh đứng trước nhiều thách thức, trong đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển là một trong những vấn đề then chốt.
TTXVN - Một trong ba khâu đột phá chiến lược Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định ở giai đoạn 2020-2025 là đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đánh giá đúng thực trạng, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này trong hai bài viết chủ đề: Giải “bài toán” nguồn nhân lực, tạo đột phá phát triển.
Bài 1: Đáp ứng nhu cầu
Là tỉnh ở lưu vực sông Hậu, tiếp giáp biển Đông, cách trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long - thành phố Cần Thơ khoảng 60 km, Sóc Trăng có tiềm năng, lợi thế phát triển nhiều ngành kinh tế, nổi bật là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, kinh tế biển và ven biển.
* Xác định chiến lược
Sóc Trăng hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Song hiện nay, tỉnh đứng trước nhiều thách thức, trong đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển là một trong những vấn đề then chốt.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của từng đơn vị, địa phương, là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh xây dựng đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030. Sóc Trăng đề ra mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động trên địa bàn đã qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%. Đến năm 2030, các tỷ lệ tương ứng là 70% và 32,5%. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi ở địa phương đạt 90%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, từ năm 2016 đến nay, số lượng và chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Người lao động từng bước tiếp cận nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là những ngành có tay nghề cao đáp ứng xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh tăng từ gần 79% vào năm 2016 lên trên 83,2% hiện nay.
Giáo dục nghề nghiệp phát triển về quy mô. Chất lượng đào tạo được nâng lên, từng bước gắn nhu cầu doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 62,3%.
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030, địa bàn tỉnh có 10 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp hoạt động. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư, trong đó, có dự án Cảng nước sâu Trần Đề. Nhiều dự án kết nối giao thông liên tỉnh với các tỉnh, thành phố khác.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025 nêu rõ, nhu cầu thu hút lao động vào vùng biển làm việc là rất lớn, đặc biệt lao động có trình độ chuyên môn cao, phục vụ các dự án đầu tư lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái, hệ thống cảng biển...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, dự báo thời gian tới, tỉnh cần nguồn lao động rất lớn, đặc biệt lao động có tay nghề cao. Nhu cầu lao động mới tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 là 66.000 người, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200.000 người. Bình quân hằng năm, các doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 33.000 người, tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo, cảng biển, chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp có quy, mô sử dụng lượng lớn lao động đã và đang được mời gọi đầu tư tại tỉnh một số ngành, nghề thế mạnh, tiềm năng. Vì vậy, những năm tiếp theo, nhu cầu việc làm tại tỉnh Sóc Trăng ngày càng tăng.
* Nâng chất lao động các ngành có thế mạnh
Sóc Trăng ưu tiên nâng chất lượng nguồn nhân lực ở các ngành kinh tế mũi nhọn, thế mạnh của địa phương như, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện, du lịch. Tỉnh chú trọng đào tạo lao động các ngành nghề phù hợp sự phát triển của địa phương, đơn vị và thị trường lao động, từ đó tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như toàn vùng.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, Sóc Trăng thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, là mảnh đất an lành với sự cộng cư, giao hòa, gắn kết lâu đời của các dân tộc anh em tạo nên cuộc sống hài hòa, đa dạng về kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... Đây là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển nguồn lao động chất lượng cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý một trong các giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa quy hoạch của tỉnh. Đó là Sóc Trăng cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tỉnh tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đóng góp ý kiến vào giải pháp nâng cao chỉ số đào tạo trong PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ phân tích, trong tương lai, Sóc Trăng được đầu tư nhiều dự án, tuyến đường trọng điểm. Cảng biển Trần Đề được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư. Tất cả điều đó tạo cho Sóc Trăng lợi thế thu hút nhiều nhà đầu tư, đồng nghĩa người lao động dễ tìm việc tại địa phương. Các ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo là thế mạnh của Sóc Trăng, chiếm gần 60% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) toàn tỉnh. Hai ngành này có nhu cầu rất lớn về lao động.
Cùng đề cập đến việc cần thiết nâng chất nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khu vực này, trong đó có Sóc Trăng phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy - hải sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, tài chính, thương mại, ngân hàng, du lịch... Thị trường lao động của vùng và từng tỉnh, thành phố có nhiều biến động, số lượng và chất lượng việc làm có xu hướng tăng qua các năm. Do đó, để thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất nguồn lao động của tỉnh, các cấp, ngành cần tập trung triển khai một số nhóm ngành học trọng điểm cấp quốc gia và cấp khu vực như: nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, công nghệ thông tin, du lịch, kinh doanh - thương mại theo hướng công nghệ (thương mại điện tử, logistics, digital makerting), công nghệ nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhóm ngành thiết kế ứng dụng công nghệ, ngoại ngữ chuyên ngành… Các cơ sở đào tạo tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đối với đào tạo ngắn hạn, chú trọng đối tượng như lao động nữ, lao động nông thôn, lao động đang thất nghiệp./.
Bài 2: Giải pháp đồng bộ
- Từ khóa:
- nguồn nhân lực
- tạo đột phá
- thực tế