Khoa học

Giải pháp thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số

Từ góc nhìn của nghiên cứu và tư vấn chính sách, việc đưa ra những chính sách nhằm hiện thực hóa quá trình thúc đẩy phát triển bao trùm trong chuyển đổi số, xã hội số vào phát triển kinh tế - xã hội là điều rất quan trọng.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Tiếp nối các hoạt động khoa học hợp tác với UNESCO, ngày 8/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiểu ban Khoa học xã hội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo“Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số” nhằm tìm hiểu, đánh giá các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh trong quá trình chuyển đổi số và hình thành xã hội số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO cho biết, thế giới đang bước vào kỷ nguyên đầy biến động và thay đổi nhanh chóng. Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để Việt Nam vươn lên. Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, từ góc nhìn của nghiên cứu và tư vấn chính sách, việc đưa ra những chính sách nhằm hiện thực hóa quá trình thúc đẩy phát triển bao trùm trong chuyển đổi số, xã hội số vào phát triển kinh tế - xã hội là điều rất quan trọng. Chính vì vậy, Hội thảo này là dịp để các chuyên gia chia sẻ quan điểm cũng như góp ý đề xuất để thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số vì sự phát triển bền vững, lâu dài của Việt Nam.

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa UNESCO (Bộ Ngoại giao), Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESSCO Việt Nam cho biết, phát triển bền vững và bao trùm đã trở thành một xu thế tất yếu và là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Quá trình này đang diễn ra nhanh và toàn diện hơn trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh và luôn có thành tựu, đột phá quan trọng. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt của đời sống. Người dân được kết nối, có khả năng tương tác, thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá về chuyển đối số bào trùm (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Đánh giá về chuyển đổi số bao trùm; hướng tới nền kinh tế vì con người ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tất cả các quốc gia đều đang trải qua những tác động của chuyển đổi số, khiến cho những hoạt động, tương tác của Chính phủ, các thành phần khác nhau của nền kinh tế và người dân đều có những thay đổi cơ bản, nhanh và mạnh mẽ. Những thay đổi cải cách đã là khó khăn, thì chuyển đổi số được nhận định còn khó khăn hơn những chuyển đổi truyền thống vì những yêu cầu cao và sức ép mạnh mẽ từ công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ là quá trình số hóa dữ liệu và tinh giản thủ tục, mà cần phải là quá trình thay đổi toàn diện hướng tới nền kinh tế vì con người: do người dân tham gia chuyển đổi và đem lại lợi ích và an ninh cho người dân. Vì vậy, sự tham gia, sự thụ hưởng và sự an toàn của người dân trong xã hội số cần phải được đặt làm trung tâm, để kiện toàn tầm nhìn, chiến lược và giải pháp thực hiện cho Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Hướng tới chuyển đổi số bao trùm ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất, sự tham gia của người dân cần phải được đo lường và theo dõi ở chỉ số khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, về cả phương diện nền tảng hạ tầng kỹ thuật số và văn hóa số. Giải pháp chiến lược cần phải đặt ưu tiên vào tăng cường sự kết nối số, xây dựng năng lực tự học tập cho nhóm dân cư trong độ tuổi lao động và tăng cường an sinh xã hội thích ứng.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các tham luận là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia từ các viện nghiên cứu chuyên ngành trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Nghiên cứu Con người, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng..., đề xuất chính sách thúc đẩy chuyển đổi số bao trùm hướng tới vì con người ở Việt Nam./.

Diệu Thúy

Xem thêm