Kinh tế số là một trong 3 trụ cột quan trọng trong thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; ưu tiên thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
TTXVN - Nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số để tạo nền tảng phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, gia tăng giá trị sản xuất, tăng tốc độ tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của địa phương.
* Những hiệu quả từ thực tiễn
Cùng với chính quyền số và xã hội số, kinh tế số là một trong 3 trụ cột quan trọng trong thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh xác định ưu tiên thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, thương mại điện tử, năng lượng, tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp, công nghiệp và du lịch để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới phương thức kinh doanh, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn. Chị Trần Gia Minh Châu, chủ cơ sở kinh doanh Xứ Phan (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, sản phẩm chủ lực của cơ sở gồm nho, rượu nho, nước mắm các loại hải sản tươi và chế biến khô đều được đăng tải hình ảnh chi tiết, niêm yết giá trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, website. Khi có nhu cầu, khách hàng có thể liên hệ qua số điện thoại để được tư vấn, đặt hàng, hàng hóa sẽ được gửi đến tận nhà rất tiện lợi và đảm bảo an toàn.
Hiện nay, các nền tảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn Ninh Thuận có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 300 sản phẩm của 92 đơn vị, trong đó 123 sản phẩm OCOP của 50 doanh nghiệp, cơ sở đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử của Ninh Thuận tại địa chỉ: sanphamninhthuan.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài như Alibaba, Amazon, Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart…
Chuyển đổi số cũng đã làm thay đổi thói quen sử dụng công nghệ của cộng đồng, với nhiều người dân Ninh Thuận, chuyển đổi số không còn là chuyện xa lạ mà đã hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, đáp ứng được nhiều nhu cầu tiện ích. Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) chia sẻ, hiện nay với một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến, tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, đi siêu thị, các quán nước đều có thể thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt rất nhanh gọn, tiết kiệm thời gian.
Theo Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thời gian qua Ninh Thuận đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Toàn tỉnh hiện có 858 doanh nghiệp và 118 chi nhánh đang hoạt động có đăng ký ngành nghề thuộc các loại hình sản xuất phần cứng, phần mềm, điện tử cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Hệ thống mạng internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn. Địa phương đã triển khai lắp đặt, tích hợp và phát 75 vị trí trạm 5G trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, vùng phủ đạt 98,4% diện tích thành phố. Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai các nền tảng số, giải pháp số; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Năm 2023, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số đã góp phần quan trọng giúp Ninh Thuận nằm trong top 10 cả nước về tăng trưởng GRDP và đứng thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đến nay, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt 9,52%, trong đó kinh tế số ICT chiếm 6,1%, kinh tế số nền tảng chiếm 3,42%. Qua đánh giá, kinh tế số đã dần hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
* Tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển chính quyền số với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 30% GRDP của tỉnh, tỷ lệ hài lòng của người dân với chính quyền số đạt 98%; xây dựng thành công đô thị thông minh tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trên địa bàn nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Địa phương có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh để từng bước hình thành hệ sinh thái số của địa phương.
Trong đó, Ninh Thuận chú trọng triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và Điều hành Đô thị thông minh (IOC) kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để phục vụ cho việc theo dõi, giám sát, tiếp nhận, điều phối, xử lý, tổng hợp, cung cấp thông tin chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp triển khai xây dựng phần mềm Smart Ninh Thuận để phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh xác định thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch về chuyển đổi số; đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Để tạo động lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, thời gian tới tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối toàn cầu; nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm công nghệ số, nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh./.