Ninh Bình đang đẩy mạnh tiến trình thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Xác định chuyển đổi số là giải pháp có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đang đẩy mạnh tiến trình thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Những năm qua, huyện Gia Viễn đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai kết nối các hệ thống hạ tầng thông tin trọng yếu, dùng chung của huyện vào mạng truyền số liệu chuyên dùng như: Quản lý văn bản và điều hành; Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử đảm bảo ổn định, an toàn, thông suốt. Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, các xã tăng cường sử dụng các phần mềm chuyên dùng và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã đã thiết lập mạng nội bộ; 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được cấp chữ ký số chuyên dụng ; 96% văn bản được triển khai hoàn toàn trên môi trường mạng, công tác an toàn an ninh thông tin được đảm bảo... Huyện đang cung cấp 383 dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, trong đó có 240 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 100%.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Gia Viễn tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, mạng di động 4G/5G, mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn. Đồng thời huyện đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí…
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tất cả cơ quan, đơn vị, sở, ngành, các địa phương trong tỉnh ứng dụng, triển khai đúng quy trình, chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng dữ liệu và hệ sinh thái dữ liệu mở Ninh Bình, giúp nhân dân thực hiện các dịch vụ công nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.
Đến năm 2025, Ninh Bình phấn đấu có 90% số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Trong đó, tất cả dịch vụ công đáp ứng yêu cầu được cung cấp trực tuyến mức độ 4, được thực hiện truy cập trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%. Tỉnh phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%...
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình Tạ Quang Phương cho hay, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Sở chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan triển khai phát triển hạ tầng và dữ liệu số để đảm bảo theo đúng lộ trình, mục tiêu đề ra. Sở xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá, trong đó đặc biệt chú trọng đến các nhiệm vụ tạo lập và phát triển, khai thác dữ liệu số để phục vụ xây dựng chính quyền số, dữ liệu số, chuyển đổi số.
Hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
Tỉnh Ninh Bình đã sớm ban hành Nghị quyết, kế hoạch để xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó tỉnh chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Quá trình chuyển đổi số được quan tâm, triển khai đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư; các ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được xây dựng, khai thác, vận hành ổn định; các nhiệm vụ, mô hình của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã và đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Ninh Bình xác định: "Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền".
Xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn thực hiện chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn, thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, nêu cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số, xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ninh Bình lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò và sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, chú trọng hình thành cộng đồng số, công dân số, văn hóa số.
Quá trình đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân của tỉnh ngày càng hiệu quả. Kết quả các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đều thuộc top cao của cả nước: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước... Chuyển đổi số đã góp phần đưa Ninh Bình có thể "đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên" so với các tỉnh, thành phố khác trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân./.
- Từ khóa:
- Chuyển đổi số
- Ninh Bình