Xã hội

Kết nối, tiếp sức cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững

Bình Định

Tỉnh Bình Định là địa phương sớm triển khai xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

TTXVN - Hội nghị "Kết nối, khảo sát xu hướng tất yếu về chuyển đổi mô hình, công nghệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trước bối cảnh thế giới hiện nay và đánh giá nhu cầu kết nối của doanh nghiệp Startups, SMEs, tập đoàn và khu vực hành chính công" đã diễn ra ngày 10/11. Hội nghị do Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa (VCCI Khánh Hòa) phối hợp tổ chức, thu hút hơn 100 doanh nhân, doanh nghiệp tham gia.

Chào mừng Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhấn mạnh, Bình Định là địa phương sớm triển khai xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay, về cơ bản đạt được những kết quả đáng kể. Tỉnh chú trọng ban hành các cơ chế tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới nhà cố vấn khởi nghiệp; tìm kiếm và ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, cố vấn tăng tốc nâng cao cho các dự án khởi nghiệp để hình thành các startup từ nguồn lực nhà nước.

"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số chính là cách đi phù hợp, hiệu quả trong quá trình đó, cũng là cơ hội để Bình Định phát triển. Vì vậy, tỉnh hy vọng các nội dung tham luận, bài học thực tiễn được các diễn giả sẽ mang lại giá trị hữu ích, góp phần khai phóng các nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số, kiến tạo nền kinh tế số bền vững. Qua đó, các doanh nghiệp tìm được hướng đi mới, kiểm nghiệm lại cách thức vận hành tổ chức và mang đến giá trị lớn, thành công ngoài mong đợi trong thời gian tới", ông Nguyễn Hữu Hà bày tỏ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều báo cáo tham luận liên quan đến lĩnh vực này. Đáng chú ý là tham luận "Chuyển đổi công nghệ, Chuyển đổi số - Chìa khóa để doanh nghiệp bứt phá" của Thạc sỹ Nguyễn Nghĩa Vương, Chuyên gia kết nối 844 - Founder Vibook - Giải pháp đổi mới sáng tạo thuộc Techfest; tham luận "Tính cấp thiết của chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình BMC (một công cụ xây dựng mô hình bán hàng được thiết kế bởi Alexander Osterwalder và Yves Pigneur) của Thạc sỹ Lý Đình Quân, Chuyên gia kết nối 844 - Giám đốc Songhan Incubator - Trưởng làng Du lịch Ẩm thực Techfest Quốc gia…

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định đề xuất, để thực hiện tốt công tác hỗ trợ đối với khối hành chính công và doanh nghiệp địa phương trong thời gian tới, tỉnh cần triển khai hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số vào đầu tư, kinh doanh. Song song với đó, tỉnh hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp công nghệ số, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghệ số. Đồng thời, Bình Định cần nghiên cứu đến giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số tham gia triển khai các đề tài, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số làm thủ tục công bố sản phẩm, dịch vụ của mình trong danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm trong cơ quan nhà nước.

Bình Định hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%. Ông Tô Hiếu Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là năng lực quản lý và tài chính thấp nên số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ về công nghệ, chuyển đổi số và tham gia chuỗi giá trị không nhiều; hộ kinh doanh ngần ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp, tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển sang các loại hình doanh nghiệp còn thấp; các đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp triển khai một cách riêng lẻ…

Ông Tô Hiếu Trung kiến nghị tỉnh cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến; hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ; phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ; kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư./.


Lê Phước Ngọc

Xem thêm