Giám sát thực hiện đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025
Đây là cơ hội để UBND Thành phố đánh giá lại quá trình triển khai công tác đầu tư công, rút kinh nghiệm về cách thức tổ chức, triển khai đầu tư công.
TTXVN - Chiều 15/6, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Nỗ lực đạt nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong lĩnh vực giao thông, giai đoạn 2021-2025, Thành phố đã cân đối ngân sách, bố trí cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông với tổng vốn hơn 52 nghìn tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng như đường song hành đường Võ Văn Kiệt (Quận 1), đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn)…, tiếp tục thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình cầu vượt, đường chui trước Bến xe miền Đông mới; hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7)…
Giai đoạn 2021-2023, Thành phố đã đầu tư 98 dự án y tế, dân số và gia đình với kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 15 nghìn tỷ đồng; hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều cơ sở y tế có quy mô hiện đại, đạt chuẩn Đông Nam Á như Bệnh viện Truyền máu - Huyết học tại huyện Bình Chánh, Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch cao của Bệnh viện Nhân dân 115, Dự án Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2… Cũng trong thời gian này, Thành phố đầu tư cho 438 dự án giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp với kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 11 nghìn tỷ đồng; đưa vào sử dụng 1.675 phòng họp mới, giúp Thành phố đạt mức 294 phòng học/10.000 dân, tiệm cận gần tới chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân…
Theo UBND Thành phố, năm 2021-2022, Thành phố đã giải ngân hơn 46 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến năm 2023, Thành phố giải ngân đạt hơn 65 nghìn tỷ đồng, đưa tổng vốn giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2023 đạt trên 111 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 78% vốn đầu tư công trung hạn được giao và vì thế việc hoàn thành mục tiêu đạt giải ngân vốn đầu tư công trên 95% của giai đoạn 2021-2025 là hoàn toàn khả thi.
Ghi nhận ý kiến giải trình của lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Trưởng Đoàn giám sát HĐND Thành phố đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố trong điều hành, tổ chức thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố trong suốt thời gian qua, với một số kết quả đạt được rất quan trọng, đã góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo kết quả làm việc với các sở, ngành và giám sát trực tiếp tại 20 dự án đầu tư công, Đoàn Giám sát HĐND Thành phố nhận thấy, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố về thực hiện công tác đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, cần khắc phục như việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Thành phố để xây dựng kế hoạch đầu tư công hằng năm chưa sát thực tế; việc ban hành Quyết định phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công còn chậm trễ; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt dự án và tổ chức thực hiện dự án đầu tư còn chưa chặt chẽ, đồng bộ; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở các dự án đầu tư công còn chậm, kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều công trình, dự án.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát, lập báo cáo giám sát đánh giá đầu tư thấp, như năm 2021, tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát chỉ đạt 40,67%, năm 2022, tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát 16,61%; công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành còn chậm; công tác giải ngân vốn đầu tư công hằng năm của Thành phố không đạt mục tiêu đề ra là 95%...
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, để tiếp tục phát huy tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Thành phố, với mục tiêu thu hút các nguồn lực khác, tạo sự chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố, trong thời gian tới đề nghị UBND Thành phố thực hiện một số nội dung như quan tâm chỉ đạo công tác lập dự toán chi đầu tư phát triển hàng năm đảm bảo đúng tiến độ và quy định; giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm kịp thời, đúng quy định, sát với thực tế thực hiện, kịp thời điều chuyển số vốn của các dự án có vướng mắc chưa giải ngân hoặc các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án khác có nhu cầu sử dụng vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, UBND Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo rà soát các khoản tạm ứng còn tồn đọng kéo dài và có giải pháp thu hồi các khoản đã tạm ứng để hoàn trả ngân sách theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công; rà soát bố trí vốn giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án đã được phê duyệt quyết toán hoàn thành, đã dừng, giãn tiến độ chưa được bố trí kế hoạch vốn trong năm; có giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch, chống lãng phí, tiêu cực trong công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố, tiếp tục phát huy vai trò của Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công …
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cảm ơn, ghi nhận ý kiến các thành viên Đoàn Giám sát HĐND Thành phố, coi đây là cơ hội để UBND Thành phố đánh giá lại quá trình triển khai công tác đầu tư công, rút kinh nghiệm về cách thức tổ chức, triển khai đầu tư công. Trong thời gian qua, công tác đầu tư công còn nhiều vướng mắc ở nhiều khâu, nhiều vấn đề trong cách thức phối hợp của các cơ quan liên quan, cách thức thực hiện dự án…/.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- Đầu tư công
- Giám sát