Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Nhà khoa học - quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hội thảo làm sáng tỏ phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, lòng yêu nước của một con người vì nghĩa lớn, hy sinh lợi ích cá nhân; tấm gương sáng về tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học, hăng say lao động.
TTXVN - Ngày 12/9, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Nhà khoa học - quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023).
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm làm sáng tỏ và có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng, những đóng góp to lớn của Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước và nền khoa học, quốc phòng Việt Nam.
Hội thảo làm sáng tỏ phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, lòng yêu nước của một con người vì nghĩa lớn, hy sinh lợi ích cá nhân; tấm gương sáng về tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học, hăng say lao động. Hội thảo nhằm tôn vinh và khẳng định những công lao, đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Vĩnh Long; tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần yêu lao động, ham học hỏi, phụng sự Tổ quốc của các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Với hơn 110 tham luận của các cá nhân, cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, nhà nghiên cứu gửi về Hội thảo, trong đó, có 10 tham luận, ý kiến phát biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ 4 nhóm nội dung chủ yếu gồm: Từ truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng cách mạng của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa; con đường học tập, tích lũy tri thức và bước ngoặc cuộc đời khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những đóng góp to lớn của Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tấm gương người cộng sản suốt đời vì nước, vì dân.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, tình cảm của Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đối với quê hương Vĩnh Long luôn sâu đậm, gắn bó. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở miền Bắc và sau khi nước nhà thống nhất, mặc dù bận nhiều công việc, đồng chí vẫn dành thời gian về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bảo tàng Vĩnh Long. Những lần đó, đồng chí luôn động viên, góp ý Đảng bộ tỉnh cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển địa phương; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong chế tạo vũ khí, phương tiện, thiết bị trong chiến đấu.
Thực hiện những lời dặn dò chân tình, quý báu của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa lúc sinh thời, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực và đạt tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định, Hội thảo đã đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về một nhân vật lịch sử của quê hương Vĩnh Long - Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn và là nhà khoa học vĩ đại của đất nước Việt Nam. Hội thảo đã cung cấp, bổ sung thêm nhiều tư liệu, tài liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa phục vụ nhu cầu, nghiên cứu, tìm hiểu và tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Tấm gương của đồng chí mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Xuất thân trong một gia đình nhà giáo, mồ côi cha từ nhỏ nhưng với tư chất thông minh, giàu nghị lực, ông nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình. Ông đã kinh qua và chứng kiến những thăng trầm của cuộc cách mạng, kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa hoạt động trong nhiều lĩnh vực, giữ các cương vị, chức vụ công tác khác nhau. Bất cứ ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều thể hiện lòng say mê, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc đảm nhiệm và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động khoa học và trong cuộc sống đời thường.
Những thành quả của cách mạng, kháng chiến, xây dựng, bảo vệ đất nước trong hơn nửa thế kỷ (1946 - 1997) đều có phần đóng góp xứng đáng của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, một con người chí công vô tư, sống hết mình vì mọi người.
Những cống hiến to lớn của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và bạn bè quốc tế ghi nhận. Ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, khoa học của dân tộc. Tên ông đã được đặt cho nhiều con đường, công trình, trường học... trên khắp đất nước. Thế hệ trẻ Việt Nam biết đến ông, một trí thức Việt kiều đã từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý nơi Thủ đô Paris hoa lệ, trở về hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc với tâm nguyện suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.