Hà Nội: Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
TTXVN - Chiều 21/9, tại Hội nghị giao ban quý III/2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã quán triệt Chỉ thị số 25 – CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới. Trước tình trạng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tràn lan, trong khi công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, đại diện cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đã đưa ra các giải pháp khắc phục.
Theo Chỉ thị trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 7 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, yêu cầu quán triệt lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; đồng thời yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định; bắt buộc các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nhiều kiến nghị, giải pháp cũng được đại diện lãnh đạo một số đơn vị trên địa bàn đưa ra tại Hội nghị. Với đặc thù địa bàn có nhiều ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa khó tiếp cận, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định đề xuất thành phố nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống ống chờ nước cứu hỏa tại các ngõ, ngách sâu, sẵn sàng kết nối nguồn nước chữa cháy từ các điểm xe chữa cháy có thể tiếp cận được và từ các trụ nước cứu hỏa sẵn có.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) kiến nghị thành phố có phương án di dời chợ Nhà Xanh, mở rộng đường Phan Văn Trường để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường trên địa bàn do trên địa bàn có nhiều nhà chung cư, nhà trọ cho thuê, chợ nên nguy cơ xảy ra cháy cao.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, dự luận rất quan tâm đến việc để xe ở các nhà chung cư. Qua rà soát, Sở Xây dựng nhận thấy, các công tình nhà riêng lẻ này có vi phạm về trật tự xây dựng về an toàn phòng chống cháy nổ, cần được xử lý và khắc phục triệt để theo các quy định của pháp luật. Trong khi các cơ quan rà soát, phân loại để tổ chức xử lý triệt để vi phạm thì cần có giải pháp bố trí xe tại tầng 1, rà soát lại diện tích đỗ xe đảm bảo an toàn theo quy định… Ông Võ Nguyên Phong kiến nghị xây ngăn khu để xe với khu nhà ở; thường xuyên kiểm tra xe máy, xe điện, nhất là hệ thống sạc điện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; đồng thời trang bị đầy đủ phương án, phương tiện cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy và xử lý sự cố.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ” (bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại khi lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở xa chưa kịp tới hoặc khó tiếp cận đám cháy, qua đó giảm thiểu những thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra. Đại tá Dương Đức Hải đề xuất tiếp tục triển khai tổ liên gia tự quản; rà soát, kiểm tra và triển khai điểm chữa cháy công cộng trên toàn thành phố. Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị của UBND thành phố. Thời gian tới, Công an là lực lượng chủ lực để tham mưu cho UBND thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch, Chỉ thị của UBND thành phố về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới./.