Chuyển đổi số là cơ hội lớn, thời cơ để địa phương bắt kịp, đi cùng và vươn lên đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
TTXVN - Sáng 21/9, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết các hoạt động chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà cho biết, qua 2 năm thực hiện công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tại Đắk Lắk đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn là vấn đề mới, do đó nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình còn hạn chế. Lực lượng lao động được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là nông dân và cán bộ quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Nguồn nhân lực số, năng lực số cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nên việc tiếp cận, cài đặt sử dụng nền tảng số còn gặp khó khăn…
Về phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025, Đắk Lắk phấn đấu tiếp tục xây dựng các nền tảng số, phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ số trong cơ quan nhà nước hướng tới chính quyền số phải thúc đẩy, gắn liền tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, chuyển đổi số là cơ hội lớn, thời cơ để địa phương bắt kịp, đi cùng và vươn lên đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/22/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; có sự hợp tác của các đơn vị và đã có kết quả nhất định. Đắk Lắk xác định đây là thời cơ, thách thức trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, thay đổi hàng ngày. Tỉnh quyết tâm chọn chuyển đổi số là động lực mới, tâm thế mới trong sự phát triển của địa phương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, định hướng năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, các đại biểu cùng đánh giá, nhìn nhận lại mặt đạt được và đề ra phương hướng, chuẩn bị cho nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo 2023-2025.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2023 là Năm dữ liệu số quốc gia, chuyển đổi số cần đi vào thực chất, bền vững và phải dựa trên dữ liệu. Đắk Lắk là một trong những địa phương có sự phát triển chuyển đổi số.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia khuyến nghị, từ năm 2023 và các năm tiếp theo, Đắk Lắk cần đẩy mạnh ba trụ cột chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phải đi vào thực chất; trong đó, tập trung phát triển dữ liệu để chuyển đổi số. Địa phương ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Đắk Lắk (Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 12/5/2023), do đó tỉnh cần thường xuyên rà soát, đánh giá điều chỉnh cập nhật phù hợp tình hình và nhu cầu triển khai. Để làm được điều đó, tỉnh cần khẩn trương ban hành kế hoạch và thực hiện cung cấp dữ liệu mở bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; tăng cường quản lý dữ liệu; tích cực triển khai thiết lập cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung và nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung cấp bộ, tỉnh để cung cấp thông tin tổng hợp, thống kê, dự toán, dự báo…
Đến tháng 9/2023, tại Đắk Lắk, 15/15 huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định thành lập 1.426 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố với 9.278 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số…
Địa bàn tỉnh có 188/188 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet; trên 1,9 triệu người (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, đạt 139,5%; 1.678 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử… Đến nay, các cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, lập hồ sơ sức khỏe điện tử…/.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- dữ liệu
- chuyển đổi số