Chính sách mới

Quảng Ngãi tạo bước đột phá về phát triển chính quyền điện tử

Quảng Ngãi

Công tác chuyển đổi số tại Quảng Ngãi có những bước tiến mới, vượt 34 bậc lên vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

TTXVN - Ngày 8/9, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo bước đột phá về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo Nghị quyết, Quảng Ngãi thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, thực chất, bền vững trên tất cả các lĩnh vực thông qua ứng dụng dữ liệu số. Chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng Quảng Ngãi đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai trên nhiều phương thức truy cập khác nhau; trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Ngoài ra 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Về kinh tế số, Quảng Ngãi phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% tổng sản phẩm trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Về phát triển xã hội số, tỉnh hoàn thiện hạ tầng đưa hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và đạt 100% cấp xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; trên 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; trên 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân...

Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc đối với công tác chuyển đổi số và đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2022, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có những bước tiến mới, vượt 34 bậc lên vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dịch vụ công trực tuyến từ chỗ đạt tỷ lệ rất thấp nhưng đến nay đã có những chuyển biến tích cực, đạt hơn 81% ở cấp tỉnh, hơn 30% ở cấp huyện và hơn 27% ở cấp xã.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; một số hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kinh tế số và xã hội số chưa phát triển mạnh./.

Phạm Cường

Xem thêm