Xã hội

Hà Nội: Tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm

Hà Nội

Thông qua công tác hậu kiểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.

Cán bộ thú y kiểm tra sản phẩm thịt lợn trước khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ. 
Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

TTXVN - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024, trong đó, tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm từ nguồn gốc nguyên liệu cho tới vận chuyển, bảo quản, quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản…

Ngành chức năng tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng, nhóm hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm quy định công bố sản phẩm đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, hậu kiểm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định tại Luật Quảng cáo. Ngoài ra, ngành chức năng sẽ hậu kiểm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm thực hiện theo quy định tại Chương X Nghị định số 15/2018/NĐ - CP của Chính phủ, hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu…

Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm việc chấp hành quy định chung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn và thức ăn đường phố.

Các đoàn hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả mạnh mẽ, quyết liệt như: Đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm; áp dụng thu hồi các loại giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền.

Thông qua công tác hậu kiểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, hậu kiểm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm vi phạm.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Năm 2023, toàn thành phố thành lập gần 1.000 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện trên 10.000 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 10 tỷ đồng./.

Tuyết Mai

Xem thêm