Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình.
Duy trì mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường công tác hòa giải đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn nhằm hạn chế bạo lực gia đình là một trong những nội dung tại hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ báo cáo viên thành phố và khối văn hóa – xã hội thuộc các quận, huyện, thị xã do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18/6.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay tại Hà Nội vẫn xuất hiện hành vi bạo lực thương tâm, là một trong những vấn nạn mà cả xã hội nhức nhối và cần có biện pháp để loại bỏ. Bạo lực gia đình là ngược đãi, đánh đập, gây áp lực khiến những thành viên khác trong gia đình bị tổn thương về mặt tâm lý và sức khỏe. Không chỉ thế, bạo lực gia đình còn được hiểu là sự xúc phạm, ép buộc và cưỡng chế những thành viên khác trong gia đình.
Trong năm 2023, toàn thành phố phát hiện 45 hộ có bạo lực gia đình, giảm 37 vụ so với năm 2022, trong đó có bạo lực về tinh thần, bạo lực về thân thể. Từ đầu năm đến nay cũng liên tiếp xuất hiện các vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ (chiếm 80% số vụ). Các cơ quan chức năng cũng xử lý nhiều vụ việc, từ góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, các biện pháp giáo dục tại địa phương, tạm giữ, xử phạt hành chính, xử lý hình sự.
Thành phố cũng duy trì hoạt động 173 mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; 482 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 756 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 2.199 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 739 đường dây nóng đang hoạt động tại các tổ dân phố với sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Các cấp ngành cũng tăng cường công tác hòa giải đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn nhằm hạn chế bạo lực gia đình.
Tuy vậy, công tác triển khai, nhân rộng mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương hoạt động hiệu quả chưa cao, số vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng còn xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Kinh phí triển khai các hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, thường xuyên thay đổi, một số cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nên việc cập nhật các văn bản mới còn lúng túng, chất lượng tham mưu, hướng dẫn, thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình còn thụ động, hiệu quả chưa cao.
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV một lần nữa lên án và đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Luật gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tới đội ngũ báo cáo viên thành phố với mục đích đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- Tuyên truyền
- phòng chống
- bạo lực
- gia đình