Thực thi chính sách

Hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân

Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tựu nổi bật trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

(TTXVN)  Tròn 77 năm trước (6/1/1946 - 6/1/2023), hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí phấn khởi, toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, gái trai đã nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kể từ dấu mốc lịch sử đó, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tựu nổi bật trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

* Bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai, giàu, nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, dân chủ, đoàn kết.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Người, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Trong đợt bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

* Khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong 14 năm, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ, đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới và thông qua Hiến pháp 1959, tạo nền tảng pháp lý cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Quốc hội các khóa II, III, IV và V được tổ chức theo Hiến pháp 1959, đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng, khôi phục kinh tế ở miền Bắc để trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, cùng với việc đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cuộc tổng tiến công, nổi dậy và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa VI đã đổi tên nước thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thông qua bản Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Quốc hội khóa VII, khóa VIII được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980, đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước vượt qua khó khăn của thời kỳ bị cấm vận, bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp 1992, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội khóa IX, X được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992, đã có những đổi mới mạnh mẽ với nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Các khóa Quốc hội XI, XII và XIII là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng; hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, từng bước được đổi mới, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII ban hành Hiến pháp 2013, thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến, lập pháp và chủ động hội nhập quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại. Phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cuộc bầu cử lịch sử, có quy mô lớn nhất, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 4 đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp.

Gần 70 triệu lá phiếu tham gia bầu cử đã thể hiện ý thức trách nhiệm, niềm tin tưởng sâu sắc của cử tri với Đảng, Nhà nước, đồng thời khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, là mốc son mới trong lịch sử Quốc hội nước ta.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

* Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã có sự chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng để lại dấu ấn với những quyết sách chưa từng có tiền lệ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ lập pháp; đồng thời ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với 137 nhiệm vụ lập pháp.

Sau 1 năm triển khai Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã hoàn thành 81/137 nhiệm vụ lập pháp, hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu, xây dựng mới (đạt 59,12% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững sau đại dịch COVID-19.

Không chỉ thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, Quốc hội khóa XV cũng đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ nhằm đáp ứng những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ, ngay đầu năm 2022, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã được khai mạc để xem xét, quyết định nhiều nội dung lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến sự phục hồi, phát triển của đất nước trong điều kiện “bình thường mới”. Việc triệu tập Kỳ họp được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.

Điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Và ngay trong những ngày đầu năm 2023 này, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Kỳ họp xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng và cấp bách như: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đánh giá việc thực hiện quy định tại Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15... Việc tổ chức Kỳ họp một lần nữa cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, chuyên nghiệp hơn, kịp thời giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền trong điều kiện thực tiễn cuộc sống đang biến chuyển rất nhanh chóng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: "Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn".

77 năm qua, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, là tài sản vô giá cho các thế hệ đại biểu Quốc hội tiếp nối, kế thừa và phát huy để hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và cử tri, góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước./.

Phan Phương

Xem thêm