Cần triển khai các chương trình hỗ trợ tâm lý như tư vấn cá nhân, nhóm hỗ trợ, hoặc các buổi thảo luận nhóm để giúp học sinh xử lý các vấn đề tinh thần và cảm xúc.
Chiều 17/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng, chống bạo lực, vi phạm pháp luật đối với học sinh trung học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Hội thảo xoay quanh thực trạng và giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực, vi phạm pháp luật đối với học sinh trung học trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm pháp luật trong bạo lực học đường; giải pháp ngăn ngừa, xây dựng trường học an toàn; các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hành vi bạo lực học đường của học sinh...
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: Điểm trọng yếu trong hội thảo này là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Chú trọng xây dựng văn hóa học đường, xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục cho học sinh. Để hoàn thành tốt công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường.
Theo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, đa số vụ bạo lực học đường xảy ra với những thanh thiếu niên có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều vấn đề tiêu cực làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ. Về phía nhà trường, sự sâu sát, nhận định tình hình, nắm bắt những vụ việc có nguy cơ xảy ra chưa kịp thời; chưa khai thác tốt các tổ tư vấn tâm lý học đường; cũng như phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực học đường trong học sinh còn chậm. Sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội; sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với chính quyền địa phương, với tổ chức đoàn thể, ban ngành trên địa bàn chưa thật sự hiệu quả.
Theo Tiến sĩ tâm lý Ðào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học GO Global Education, Ban giám hiệu cần phát triển và thúc đẩy việc tuân thủ các chính sách pháp luật và quy định về an toàn như quy tắc ứng xử, quy định về đạo đức, và các biện pháp phòng, chống bạo lực. Mặt khác, thiết lập các kênh liên lạc và điểm tiếp xúc an toàn để học sinh có thể báo cáo vấn đề một cách an toàn và tin cậy. Tổ chức các hoạt động và sự kiện như trò chơi, hoạt động nhóm, và dự án cộng đồng để khuyến khích sự tương tác tích cực giữa các học sinh. Sự kết nối và tương tác tích cực có thể giúp tạo ra một môi trường học đầy ý nghĩa và an toàn. Ngoài ra, cần triển khai các chương trình hỗ trợ tâm lý như tư vấn cá nhân, nhóm hỗ trợ, hoặc các buổi thảo luận nhóm để giúp học sinh xử lý các vấn đề tinh thần và cảm xúc.
Thầy Lê Duy Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Vị Thanh, cho rằng: Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, chúng ta cần hành động đồng lòng từ nhiều phía khác nhau. Học sinh cần rèn luyện tính cách và kiểm soát cảm xúc. Gia đình cần thiết lập môi trường lành mạnh và tạo ra nền tảng tôn trọng. Còn nhà trường và giáo viên cần cải thiện chương trình giảng dạy và tạo ra môi trường học tập tích cực. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giáo dục cần phối hợp chặt chẽ và cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách phòng, ngăn chặn bạo lực học đường.
Qua thống kê của cơ quan chuyên môn tỉnh Hậu Giang, từ năm học 2019 – 2020 đến năm học 2023 – 2024, số vụ bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ bạo lực học đường; năm học 2020 – 2021 xảy ra 12 vụ; năm học 2021 – 2022 là 12 vụ; năm học 2022 – 2023 xảy ra 28 vụ. Riêng năm học 2023 – 2024 xảy ra tới 31 vụ bạo lực học đường./.