Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại An Giang
Theo kết quả công bố của Đoàn kiểm tra, tỉnh An Giang có 11/11 huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/11 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Chiều 17/5, Đoàn kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh An Giang về việc công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thống nhất kết quả công nhận tỉnh An Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2023. Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, ban hành quyết định công nhận trong thời gian sớm nhất.
Theo kết quả công bố của Đoàn kiểm tra, tỉnh An Giang có 11/11 huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/11 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Để giữ vững kết quả đạt được, Đoàn kiểm tra kiến nghị, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh tiếp tục đánh giá thường xuyên công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ cấp xã đến cấp tỉnh; triển khai tốt công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở và định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, có năng lực chuyên môn tốt.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh An Giang Lê Văn Phước, năm 2023, kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được giữ vững. Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở được quan tâm chỉ đạo. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở không ngừng hoàn thiện về cơ cấu, chất lượng. Đến tháng 12/2023, toàn ngành Giáo dục tỉnh có trên 14.994 giáo viên dạy lớp ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; 156/156 xã, phường, thị trấn có phân công người theo dõi công tác phổ cập giáo dục ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Theo kết quả thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023 của tỉnh, 156/156 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 156/156 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỉnh có 156/156 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 82 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. An Giang có 147/156 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 8/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Năm 2024, An Giang xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhất là đội ngũ làm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, đảm bảo an toàn trường học.../.