Xã hội

Hậu Giang kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí

Hậu Giang

Các đơn vị từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Vị Thanh tăng cường tuần tra. (Ảnh tư liệu: Hồng Thái/TTXVN)

TTXVN - Năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông với nhiều giải pháp quyết liệt để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% (trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2023.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương quán triệt thực hiện nghiêm Kế hoạch số 689/KH-UBATGTQG ngày 19/12/2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về Bảo đảm An toàn giao thông năm 2024 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2024.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ; lấy việc tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông làm tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh, sinh viên, công chức, viên chức và người lao động vào cuối năm.

Để thực hiện mục tiêu kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10%, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, lứa tuổi, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học và đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

Song song đó, cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, khắc phục kịp thời các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng và nhân rộng những cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, phương tiện, trang thiết bị và tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hậu Giang, năm 2023, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng ở cả 3 mặt. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông, làm chết 110 người, 123 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022, tăng 73 vụ; tăng 1 người chết và tăng 98 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn giao thông năm 2023 tăng chủ yếu do ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một số người còn kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường diễn ra phổ biến. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ở một số địa phương chưa đảm bảo khép kín địa bàn; công tác quản lý hành lang an toàn giao thông còn nhiều bất cập, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là trên các tuyến Quốc lộ 61C, 61 và 1A./.

Nguyễn Hằng

Xem thêm