Thời sự

HĐND thành phố Hà Nội: Khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hà Nội

Đây là Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Quốc hội vừa chính thức được thông qua Luật Thủ đô sửa đổi.
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 1/7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 17 để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Tham dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cùng đại diện lãnh đạo các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Kỳ họp diễn ra ngay sau thành công của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, ý nghĩa đối với thành phố như: Cho ý kiến để hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đặc biệt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ thống nhất rất cao (với tỷ lệ tán thành là 95,06%). Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô trong thời gian tới, tại Kỳ họp này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.

Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, thực hiện phương châm hành động “Đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”, năm 2024 là năm tăng tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vui mừng, phấn khởi khi thấy thời gian qua, thành phố đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). 
Ảnh: TTXVN phát

HĐND thành phố Hà Nội luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động, tổ chức các kỳ họp với nhiều đổi mới, đúng luật định, khoa học, phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, HĐND thành phố tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ và hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của thành phố; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thể chế hóa, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể trong từng lĩnh vực.

Thành phố khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp để hoàn thiện 2 Quy hoạch quan trọng của Thủ đô, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, thành phố Hà Nội nói chung, HĐND thành phố nói riêng nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có; chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để triển khai; trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm vững cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Dự kiến Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 1 - 4/7, sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 Nghị quyết. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp sẽ diễn ra trong 1 ngày (3/7).

Nguyễn Văn Thắng

Tin liên quan

Xem thêm