Thời sự

Trà Vinh: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm

Trà Vinh

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh Kim Ngọc Thái, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, đây là những Nghị quyết quan trọng góp phần thúc đầy phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống cho người dân.

Chủ tọa Kỳ họp. 
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Trong 3 ngày 27-29/6, Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 15 để thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương; đồng thời báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, đề  ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Tại Kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh thống nhất thông qua 25 Nghị quyết chuyên đề và 2 Nghị quyết về công tác nhân sự; trong đó có các Nghị quyết: điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 6) và năm 2024 (đợt 3); thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; bổ sung dự toán, bổ sung có mục tiêu và điểu chỉnh dự toán ngân sách tỉnh năm 2024; đặt tên một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh; bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách…Cũng tại Kỳ họp này, HĐND tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. HĐND tỉnh cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2024.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh Kim Ngọc Thái, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh phát biểu bế mạc Kỳ họp. 
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh Kim Ngọc Thái, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, đây là những Nghị quyết  quan trọng góp phần thúc đầy phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Thực hiện phương châm hành động của Tỉnh ủy “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”, ông Kim Ngọc Thái yêu cầu từ nay đến cuối năm, các ngành, các cấp tập trung dồn sức thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết. Đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ, lắng nghe các ý kiến phán ảnh, nguyện vọng và tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Sau Kỳ họp này, Đại biểu HĐND tiếp xúc và báo cáo kết quả Kỳ họp với cử tri trong tỉnh. UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, sớm đưa những Nghị quyết này vào cuộc sống.

Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2024, HĐND tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ. Theo đó, Trà Vinh tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là cung ứng lao động, thủ tục hành chính, pháp lý liên quan; tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm OCOP…

Tỉnh Trà Vinh phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi thâm canh mật độ cao; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng.

Trà Vinh quan tâm đầu tư , thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm giải ngân trên 95% kế hoạch được giao…. Tỉnh cũng tăng cường các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng và các Chương trình mục tiêu Quốc gia…

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn trả lời chất vấn tại Kỳ họp.
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Báo cáo tại Kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, địa phương thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dẫn đến doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng so với cùng kỳ; các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, sâu đầu đen hại dừa chưa được khống chế triệt để; ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tác động đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh...

Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội đạt một số kết quả tích cực. Nổi bật là tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 10,27% (cao hơn 4,53% so với cùng kỳ năm trước), đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 6 cả nước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay.

Cùng với đó, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước trên 11.219 tỷ đồng, đạt 82,12% dự toán, tăng 20,17% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 892 tỷ đồng, đạt 69,19% dự toán, tăng 76,31 % so với cùng kỳ; công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt khá 45% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 12,5%.

Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay tỉnh có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Cầu Kè, huyện Tiểu Cần được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao; tỉnh cơ bản hoàn thành 8/8 nội dung tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.

 

Trần Thị Thanh Hòa

Xem thêm