Văn hóa

“Hiến kế” để nâng tầm hiệu quả của quảng cáo ngoài trời

Tại tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời”, các đại biểu có nhiều ý kiến xác đáng xoay quanh chủ đề tọa đàm để hoạt động quảng cáo ngoài trời phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa.

Tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời”.
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

TTXVN - “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” là chủ đề tọa đàm do Báo Người lao động và Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng xoay quanh chủ đề tọa đàm để hoạt động quảng cáo ngoài trời phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương nêu rõ: Hoạt động quảng cáo đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ năm 1994, nước ta đã có hành lang pháp lý cho hoạt động này và đến nay đã 2 lần sửa đổi, bổ sung chính sách. Đến nay, ngoài Luật Quảng cáo thì Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Dược và một số văn bản khác thường xuyên bổ sung các chính sách liên quan tới quảng cáo.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cũng thông tin, thời điểm này chúng ta cần thay đổi một số chính sách lớn để hoạt động quảng cáo đồng bộ, cần văn bản chuyên ngành từ quảng cáo và thống nhất các luật hiện có. Với quảng cáo ngoài trời vấn đề đang được thảo luận là quy hoạch, thủ tục hành chính và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi).

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần tiếp cận quảng cáo theo cách mới, đó là một ngành của công nghiệp văn hóa. Theo ông, quảng cáo ngoài trời hiện cũng có nhiều vấn đề đang được các cơ quan xây dựng, sửa đổi luật đồng hành với nhiều bộ, ngành, hiệp hội để xử lý bởi đây là lĩnh vực đa ngành. Luật Quảng cáo sẽ có chu kỳ sống khá lâu dài và rất khó sửa nên nếu không làm tốt luật và để việc sửa luật kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy không mong muốn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Việc hình thành các khu dịch vụ thương mại, quảng cáo đã được từng được đề cập nhưng doanh nghiệp còn e ngại thực hiện. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý của các cơ quan quản lý thì doanh nghiệp cũng cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa bởi quảng cáo là ngành sáng tạo. Doanh nghiệp cần tạo ta các sản phẩm mà khách hàng cần cũng như dịch vụ kết nối khách hàng với sản phẩm quảng cáo.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Tiến sỹ Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động thông tin: Tòa soạn đã có một loạt bài về quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nhằm góp tiếng nói, mong muốn khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động này để quảng cáo ngoài trời hiệu quả. Ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh quảng cáo là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa và quảng cáo ngoài trời là mảng rất quan trọng. Từ nhiều năm trước, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã hình thành các khu quảng cáo ngoài trời tập trung với quy mô lớn, quảng cáo rất sinh động.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành một số khu vực quảng cáo có quy mô khá lớn, đầu tư mạnh về thiết kế, thẩm mỹ tại Quận 1. Còn ở Hà Nội, tại một số khu vực ngã tư đã xuất hiện các biển quảng cáo lớn, đèn Led nhưng tổng thể vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ông mong muốn Hà Nội sẽ đi đầu trong cả nước để phát triển quảng cáo ngoài trời.

Tiến sỹ Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Theo Ban Tổ chức: Nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp rất lớn. Ngành quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao ở Việt Nam. Riêng ở Hà Nội đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó 200 -  250 đơn vị hoạt động thường xuyên.

Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội và cả nước rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu các địa phương tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời thì sẽ mang lại nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước, giúp đảm bảo cảnh quan đô thị. Việc nâng tầm quảng cáo ngoài trời cũng hướng tới việc hình thành hệ thống tuyên truyền đồng bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo thương mại ngoài trời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay vẫn còn những bất cập, vi phạm quy định, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Có tình trạng một số đơn vị thực hiện quảng cáo chưa đúng quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp quảng cáo bị ảnh hưởng nặng nề…/.

Thanh Giang

Xem thêm