Cây sầu riêng không những mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Lâm, mà còn tạo việc làm cho nhiều gia đình nông dân khác để họ cùng ông gắn bó trên mảnh đất này.
TTXVN - Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Cao Nguyên Lâm (SN 1965) đến buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên sinh sống và sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều năm gắn bó với nương rẫy, gia đình ông đã gầy dựng được một cơ ngơi đáng mơ ước.
*Tỷ phú sầu riêng
Vợ chồng ông Lâm sinh sống tại thị trấn Hai Riêng. Nhờ cần mẫn làm ăn, cuộc sống của họ khá đủ đầy. Năm 1998, ông Lâm dồn hết tài sản 10 năm tích cóp, mua hơn 10ha đất tại buôn Quen, xã Ea Bar để trồng cà phê. Vợ chồng ông tự tay dựng ngôi nhà gỗ nhỏ, mua thêm 150 con bò sinh sản để lấy ngắn nuôi dài. Gia đình ông đã trồng các loại cây cà phê, cao su và đều cho thu nhập khá nhờ kỹ thuật canh tác tốt và đạt năng suất cao.
Khi cao su mất giá, ông Cao Nguyên Lâm đã tìm hiểu kỹ thuật để từng bước chuyển đổi cây trồng. Gia đình ông Lâm đã quyết định chuyển đổi gần 7ha cao su sang trồng sầu riêng. Từ năm thứ 5, vườn sầu riêng đã mang về cho gia đình ông nguồn thu trên 3 tỉ đồng/năm. Đến tuổi thứ 7, mỗi cây sầu riêng trưởng thành, ông chỉ để lại 60-70 trái; thu được 2-3 tạ.
Nhận thấy giá trị của sầu riêng, ông Cao Nguyên Lâm trồng thêm hơn 10ha sầu riêng Dona và Musang King. Đặc biệt, giống sầu riêng Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, được xem là “vua của các loại sầu riêng”. Sầu riêng Musang King có cơm màu vàng nghệ, vị ngọt và hương thơm đậm đà, hạt lép. Thời gian cao điểm, sầu riêng Musang King được bán với giá 600.000-700.000 đồng/kg. Hiện vườn sầu riêng Musang King của gia đình ông Lâm bắt đầu cho trái bói, hứa hẹn sang năm sẽ có thu nhập.
Theo kinh nghiệm của ông Lâm, làm nông nghiệp thì phải chịu khó nghiên cứu, học hỏi và đầu tư. Khi trồng sầu riêng, ông tìm giống ngon nhất để có giá trị kinh tế cao nhất. Ông cũng không tiếc tiền múc hồ, khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, cùng với chế độ bón phân, chăm sóc hợp lý, khoa học.
Khi được hỏi về số tiền đầu tư vườn sầu riêng, ông lắc đầu bảo không thể tính hết được. Tuy nhiên, với mỗi cây sầu riêng trưởng thành, ông đều duy trì suất đầu tư khoảng 700.000 đồng/cây/năm để bảo đảm sầu riêng cho trái đều, chất lượng.
Ông Lâm cho biết: Vùng đất Sông Hinh có thổ nhưỡng khá đặc biệt so với các vùng khác. Trong khi các vựa sầu riêng lớn ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch hết vụ thì sầu riêng Phú Yên mới đủng đỉnh vào mùa. Nhờ đó mà giá sầu riêng tại Phú Yên thường cao và ổn định; người trồng sầu riêng cũng không lo bị tư thương ép giá. Đặc biệt, sầu riêng Sông Hinh có vị ngọt, dẻo, thơm ...
*Nỗ lực làm giàu từ đất quê hương
Sau nhiều năm lập nghiệp, hiện vợ chồng ông Cao Nguyên Lâm đang có 36ha cao su, 30ha keo, 20ha sầu riêng cùng một số diện tích trồng cây ăn trái khác. Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định, ông Lâm còn tạo việc làm cho nhiều gia đình nông dân khác để họ cùng ông gắn bó trên mảnh đất này.
Chia sẻ về khoảng thời gian lập nghiệp đầy gian nan, vất vả, ông Cao Nguyên Lâm tâm sự: Khi mới bỏ cơ ngơi từ thị trấn lên vùng đất heo hút này làm ăn, nhiều anh em, bạn bè đã hết lòng can ngăn. Hơn nửa cuộc đời, thật sự tôi chưa có một ngày ngơi nghỉ, cũng chưa bao giờ để đồng tiền dư trong nhà. Toàn bộ tiền thu được tôi đều dành để mua thêm đất, đầu tư vào máy móc, thiết bị, chuyển đổi các giống cây trồng mới.
Ở độ tuổi này, nhiều bạn bè khuyên vợ chồng tôi nên giảm bớt công việc để tận hưởng cuộc sống. Thế nhưng, tôi vẫn còn nguyên vẹn niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc, với mảnh đất trù phú này. Nhìn lại thành quả lao động cả một đời của hai vợ chồng tôi luôn tự nhủ nếu mình chịu khó, kiên trì, chịu đầu tư, đánh đổi thì đất sẽ cho mình quả ngọt.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, ông Cao Nguyên Lâm là người có công rất lớn đối với việc phát triển các giống cây ăn trái trên địa bàn huyện, đặc biệt là cây sầu riêng. Ông là một nông dân điển hình về tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình mình, ông Lâm còn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt cho các hộ gia đình khác. Ông chính là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của huyện miền núi Sông Hinh./.
- Từ khóa:
- Phú Yên
- sầu riêng
- thoát nghèo
- phát triển kinh tế