Xã hội

Hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở miền núi Quảng Ngãi

Quảng Ngãi

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.

Một buổi sinh hoạt của Ban chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh thôn Xà Nay”, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà. 
Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Với phương châm phòng hơn chống, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, nhất là ở vùng núi cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh thôn Xà Nay”, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập cuối năm 2023 nhằm tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực, động viên tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình. Từ khi thành lập mô hình, thành viên trong Ban Chủ nhiệm phối hợp các Hội, đoàn thể của xã thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực, từng bước giảm dần bạo lực gia đình.

Chị Đinh Thị Nhật, thôn Xà Nay cho biết, từ khi mô hình “Địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh thôn Xà Nay” được thành lập, chị em có nơi tìm tới khi không may xảy ra mâu thuẫn với chồng. Không chỉ vậy, nhờ các thành viên trong Ban Chủ nhiệm mô hình tuyên truyền chị em còn biết cách phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Nhờ có sự gần gũi, sát sao với cuộc sống của hội viên nên các thành viên Ban Chủ nhiệm kịp thời phát hiện nhiều trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, bạo lực gia đình. Từ đó, sớm có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, hòa giải, không để lại hậu quả đáng tiếc.

Bà Hà Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Nham cho biết, thôn Xà Nay có gần 200 hộ với khoảng 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào H’re. Đồng bào H’re có thói quen uống rượu nên rất khó kiểm soát các lời nói, hành vi. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình ở nơi đây.

"Từ khi mô hình được thành lập, các vụ bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã kịp thời hòa giải 3 vụ mâu thuẫn nên chưa dẫn đến bạo lực gia đình, đây cũng là tín hiệu đáng mừng", bà Hà Thị Thúy Nga chia sẻ thêm.

Tương tự, tại huyện Minh Long, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, đội truyền thông phòng, chống bạo lực trẻ em, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã được thành lập.

Địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh thôn Xà Nay” là nơi tiếp nhận, tạm lánh của phụ nữ bị bạo lực. 
Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Chị Đinh Thị Hiền ở thôn Hà Xuyên, xã Long Hiệp, cho biết, từ khi tham gia Câu lạc bộ bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, vợ chồng chị thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cũng như cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai, không sinh con thứ ba...

“Qua tham gia mô hình, chúng tôi nhận thức rất rõ về việc không bạo lực gia đình, cùng nuôi dạy con. Cuộc sống hiện tại của gia đình tôi khá ổn định, vợ chồng sống hòa hợp, yêu thương nhau, cùng nuôi dạy con cái ngoan, học giỏi”, chị Hiền nói.

Cùng với thành lập, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Long đã công bố đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra bạo lực gia đình. Đồng thời, mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình và hòa giải cho cán bộ làm công tác gia đình.

Bà Đinh Thị Nghiêng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Long cho hay, để bảo vệ quyền lợi hội viên, Hội tổ chức tuyên truyền, vận động chị em tham gia câu lạc bộ, cung cấp địa chỉ tin cậy, từ đó, lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc... Nhờ đó, chị em hiểu biết hơn về pháp luật cũng như kiến thức xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm tình trạng bạo lực, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh liên tục đẩy mạnh thông tin, giáo dục, đa dạng hóa hình thức truyền thông về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp với ngành chức năng cung cấp số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Do đó, đến nay, toàn tỉnh thành lập 16 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trong các trường học; 130 tổ truyền thông cộng đồng tại 5 huyện miền núi; 622 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn giới mẫu trong gia đình và cộng đồng...

Bà Võ Thị Anh Trâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các mô hình góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Do đó, thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, tạo sự chuyển biến hơn nữa về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Hội chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi thành viên nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò, chức năng của gia đình trong phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội./.

Đinh Thị Hương

Xem thêm