Sau 70 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tích đáng tự hào, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.
(TTXVN) “70 năm giải phóng tỉnh Sơn La (22/11/1952 - 22/11/2022) - Thành tựu, thời cơ, thách thức và định hướng phát triển” là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Sơn La phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng tổ chức chiều 22/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh: Là địa bàn miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số, lại là nơi địch sớm chiếm đóng, nên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Sơn La gặp rất nhiều khó khăn.
Phát huy truyền thống yêu quê hương, bản làng, đấu tranh anh dũng, kiên cường vì sự độc lập, tự do, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, củng cố địa bàn, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, kiên trì thực hiện đường lối “Kháng chiến, kiến quốc” của Đảng, giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi lịch sử vào ngày 22/11/1952.
Đó là kết quả của quá trình đấu tranh đầy hy sinh gian khổ; là sự giúp đỡ chi viện kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Sơn La.
Sau 70 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tích đáng tự hào, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tiếp tục phân tích, làm rõ quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Đặc biệt là từ việc tuyên truyền giác ngộ, tập hợp quần chúng, củng cố địa bàn, xây dựng căn cứ địa, đến phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, đánh bại âm mưu của địch, đẩy mạnh phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Sơn La và vai trò của Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Các ý kiến, tham luận cũng nêu bật những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, của quân và dân tỉnh Sơn La đạt được trong chặng đường 70 năm sau ngày giải phóng; làm rõ thêm những tiềm năng, lợi thế, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức về điều kiện tự nhiên, xã hội; đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy, phát huy tiềm năng, vượt qua thách thức để phấn đấu xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Theo bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La: Ngày 14/10/1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn. Sau hơn một tháng tiến công, một vùng rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà và từ các huyện Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu đến Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La lần lượt được giải phóng.
Trước sức tiến công mạnh mẽ của các lực lượng chủ lực, làm cho địch hoang mang dữ dội, khoảng 11 giờ ngày 22/11/1952, Tiểu đoàn 115 đã tiến quân vào tỉnh lỵ Sơn La, mục tiêu giải phóng Sơn La hoàn thành thắng lợi.
Đây là mốc son lịch sử, kết quả tất yếu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Sơn La, cùng với sự đồng thuận, nỗ lực và ý chí quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đây, nhân dân các dân tộc Sơn La thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến tay sai, vững bước trên con đường xây dựng đời sống mới.
Cũng theo bà Tòng Thị Phóng, trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc đã đưa Sơn La từ một tỉnh còn nhiều khó khăn thời kỳ sau giải phóng, trở thành địa phương đứng thứ 5 trong 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Là thế hệ trẻ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Dũng chia sẻ: Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh đoàn Sơn La và các cấp bộ đoàn tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm phổ biến chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mỗi đoàn viên thanh niên không ngừng phấn đấu, học tập, nghiên cứu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương.../.
- Từ khóa:
- Sơn La
- Hội thảo khoa học
- Tòng Thị Phóng