Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công
(TTXVN) Nhằm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, từ nay đến hết năm, Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi kinh tế và 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030...
Tỉnh tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, vốn đầu tư công, thực hiện công trình, dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách trên địa bàn, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số, nâng cao thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, năm 2022, 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,25%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 106,6 triệu đồng/người/năm, tăng 11,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2021.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 930.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước...
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, dự ước năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của toàn tỉnh giảm từ 6,14% (năm 2021) xuống còn 5,14%, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa năm 2022 ước đạt khoảng 93%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khoảng 86%. Toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 119 xã, đạt gần 87% tổng số xã nông thôn trên địa bàn...
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội 2022 tại Thái Nguyên là việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Điển hình, thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 24 khách hàng với dư nợ gần 557 tỷ đồng...
Về thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí và lệ phí theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh đã có hơn 1.800 doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định thực hiện giảm thuế được giảm thuế VAT gần 80 tỷ đồng, hơn 1.100 người được cơ quan Thuế chấp thuận gia hạn nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn hơn 1.700 tỷ đồng...
Trong hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19, toàn tỉnh đã giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 3.200 đơn vị và trên 170.000 người với tổng số tiền 60,5 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 31.000 người lao động, số tiền trên 43 tỷ đồng.
Cùng với đó là giải quyết hỗ trợ trực tiếp cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với hơn 200.000 lao động, tổng số tiền trên 480 tỷ đồng; tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 27.000 lao động tiền thuê nhà, tổng số tiền 36,8 tỷ đồng./.
- Từ khóa:
- bảo hiểm xã hội
- bảo hiểm y tế