Hội thảo thuộc Dự án “Tăng cường chất lượng trái cây tại Việt Nam”, do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam viện trợ cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được triển khai tại 4 tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận và Long An.
TTXVN-Ngày 7/3, Ban Quản lý dự án Trung ương Hội Nông dân việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Ngày công nghệ trái cây sáng tạo”. Chương trình có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và 60 nông dân trồng thanh long thuộc huyện Châu Thành và thành phố Tân An.
Hội thảo “Ngày công nghệ trái cây sáng tạo” thuộc Dự án “Tăng cường chất lượng trái cây tại Việt Nam”, do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam viện trợ cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được triển khai tại 4 tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận và Long An. Mục tiêu dự án nhằm chuyển giao kỹ thuật sản xuất, khoa học công nghệ và tiếp cận thị trường xuất khẩu trái cây.
Tại Long An, Dự án chọn cây thanh long làm chủ lực. Theo đó, Dự án đã chọn 1 hộ nông dân trồng thanh long tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, có đủ điều kiện tham gia dự án và 25 nông dân trồng thanh long làm nòng cốt tiếp cận phương pháp canh tác.
Qua gần 1 năm hoạt động, Dự án đã mang lại cho nông dân nhiều kiến thức bổ ích, những kỹ thuật cần thiết về quản lý trồng thanh long theo quy trình; đồng thời, đã tổ chức được 4 lớp tập huấn cho 4 cán bộ và 100 nông dân tham dự.
Hội thảo được các chuyên gia tư vấn của Dự án đã giới thiệu về cơ hội, thách thức trong sản xuất trái cây nhiệt đới tại Việt Nam; giới thiệu chung về dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam; phát triển thị trường quốc tế - yêu cầu và xu hướng; công nghệ phân tích đất và lợi ích của việc phân tích đất đối với nông dân; cải thiện quy trình bảo quản và logistics; bón phân và quản lý nước, thoát nước...
Theo ông Peter Prins, Giám đốc Công ty tư vấn đất, nước, nông nghiệp Prins Hà Lan, một trong những yếu tố cải thiện chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam là tránh áp lực mùa vụ bằng cách đất canh tác “khỏe mạnh”, quản lý nguồn nước tối ưu (tưới tiêu) sử dụng phân bón tối ưu; đồng thời, cải thiện sau thu hoạch về bảo quản tại kho, phân loại, đóng gói và hệ thống logistics hợp lý, đáng tin cậy.
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Chuyên gia Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng, điểm mạnh trái cây ăn quả Việt Nam là có vùng trồng tập trung, người dân có kinh nghiệm lâu đời và có sự mở rộng quy mô sản xuất GAP. Vì vậy, cơ hội cho người trồng còn rất lớn như về nhu cầu và thị trường xuất khẩu, dịch bệnh được kiểm soát và khơi thông thị trường, nhiều thành tựu khoa học công nghệ sẵn có và có thể đưa vào áp dụng thực tế. Tuy nhiên, người trồng cây ăn trái vẫn còn nhiều thách thức về rào cản kỹ thuật trong nhập khẩu hàng hóa ngày càng khắc khe; sự cạn tranh của thị trường ngày càng gay gắt (chi phí logictics, xử lý và sản xuất cao); sự gia tăng nhanh diện tích trồng, phát triển vùng trồng mới trên thế giới dẫn đến cạn tranh về giá…
Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, Hội thảo là dịp để nông dân trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất; quảng bá những lợi ích Dự án mang lại cho người nông dân trồng thanh long trên địa bàn Long An. Qua Hội thảo sẽ tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa người sản xuất với các đối tác - nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào; các doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ thông tin; tiếp cận với các doanh nghiệp, hợp tác xã có kinh nghiệm xuất khẩu để có các giải pháp, cơ chế, chính sách tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đối với nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An./.
- Từ khóa:
- ngày công nghệ trái cây