Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam: Khai thác công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy bình đẳng giới
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng công nghệ số mang lại những cơ hội và cả thách thức cho tiến trình bình đẳng giới.
TTXVN - Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2023, Liên hợp quốc phát động chủ đề “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”. Với chủ đề này, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của Liên hợp quốc nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong không gian kỹ thuật số, cũng như giải quyết vấn đề bạo lực giới trên cơ sở công nghệ thông tin và trực tuyến.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam có bài viết với tiêu đề “Khai thác công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hòa nhập xã hội và bình đẳng giới”, nêu bật những cơ hội và cả thách thức mà công nghệ số mang lại cho tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới.
Mở đầu bài viết, bà Pauline Tamesis lấy ví dụ về việc công nghệ giúp đỡ phụ nữ khuyết tật vượt qua khó khăn trong cuộc sống, sự nghiệp để khẳng định mình.
“Công nghệ bù cho tôi đôi mắt”, Hương - một cựu học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, đã chia sẻ như vậy.
Hương là một trong số nhiều người mà cuộc sống đã thay đổi nhờ tác động của số hóa. Trước đây, mẹ của Hương - bác Hạnh phải ngồi cạnh cô cả ngày và lật từng trang sách hỗ trợ con học. Giờ đây, Hương có thể sử dụng các công cụ thông minh để tiếp cận thông tin ở dạng in ấn giống như một người bình thường. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội mới.
"Tất cả chúng ta đều nhận thấy sức mạnh to lớn của số hóa. Với những ai chưa cảm nhận được điều đó, hãy lắng nghe chia sẻ của Hương. Câu chuyện của cô là một ví dụ cho thấy cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để tất cả chúng ta đều được phát triển và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Pauline Tamesis viết.
Theo bà Pauline Tamesis, đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải dịch chuyển lên không gian số - một điều chưa từng có tiền lệ trước đây.
Đại dịch đã minh chứng rằng số hóa có thể thay đổi cách chúng ta làm việc, học tập, tương tác và giao tiếp, mở ra những cơ hội mới và phá bỏ những rào cản truyền thống, giúp chúng ta có thể hội nhập một cách chủ động hơn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục, sức khỏe và sinh kế. Với riêng phụ nữ và trẻ em gái, chuyển đổi số mang đến cơ hội xóa bỏ định kiến giới và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Câu chuyện của Hương là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Tuy nhiên, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và công nghệ cũng có thể góp phần làm sâu sắc thêm định kiến giới và tình trạng bất bình đẳng. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã mất đi 1.000 tỷ USD trong thập kỷ vừa qua khi nữ giới không được tham gia vào thế giới số - và mức thiệt hại này có thể tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 nếu các giải pháp tức thì không được thực hiện. Đổi mới công nghệ và kỹ thuật số có thể đồng thời tạo ra, xóa sổ và thay đổi việc làm.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tự động hóa và những tiến bộ về công nghệ sẽ cắt giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và lao động tay nghề thấp. Có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày tại Việt Nam có nguy cơ mất việc làm trong vòng 15 năm tới.
Cho biết chủ đề trọng tâm của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là khoảng cách số giữa nam và nữ, đồng thời kêu gọi thúc đẩy chuyển đổi số và công nghệ cho tất cả mọi người, dù ở bất cứ nơi đâu, bà Pauline Tamesis nêu rõ, chủ đề này càng thích hợp và đúng lúc tại Việt Nam, vì Chính phủ đã bắt tay thực hiện hành trình số hóa với nhiều mục tiêu tham vọng.
Chuyển đổi số đóng vai trò thiết yếu trong xã hội và nền kinh tế. Đây được coi là công cụ nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo Việt Nam có thể duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng, đặc biệt là công nghệ thông tin. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều không ghi nhận sự khác biệt đáng kể giữa nữ giới và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, tiếp cận phương tiện truyền thông, sử dụng điện thoại di động và kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản. 91% phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam sử dụng điện thoại di động.
Song, bà Pauline Tamesis lưu ý việc sở hữu một thiết bị công nghệ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để phụ nữ và trẻ em gái khai thác tiềm năng của số hóa. Phụ nữ phải có cơ hội bình đẳng để định hình sự phát triển công nghệ và dẫn dắt đổi mới sáng tạo.
Theo bà Pauline Tamesis, điều này cần bắt đầu từ môi trường học đường. Số lượng học sinh, sinh viên nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vẫn lớn hơn nhiều so với nữ.
Ở Việt Nam, chỉ có 36% sinh viên tốt nghiệp đại học là nữ làm việc trong lĩnh vực STEM. 78% sinh viên theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là nam giới. Nữ giới theo học ngành STEM trước tiên phải vượt qua nhiều rào cản xã hội và văn hóa mang tính hệ thống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bản thân giáo viên và học sinh, sinh viên nữ còn có những thành kiến văn hóa về khả năng phù hợp của bản thân với lĩnh vực STEM.
Khoảng cách giới trong ngành STEM khiến đổi mới sáng tạo và công nghệ trở thành lĩnh vực có tỷ lệ mất cân bằng giới cao nhất.Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, nữ giới chỉ chiếm 37% lực lượng lao động công nghệ.
Các nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có mức độ bình đẳng giới cao hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn về mặt tài chính. Tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực công nghệ giúp tạo ra nhiều giải pháp đột phá hơn và tăng cường đổi mới sáng tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu của nữ giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Một hội nghị do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức năm 2015 đã đưa ra thông điệp “thế giới cần khoa học và khoa học cần nữ giới”.
Với ý nghĩa đó, trong bài viết, bà Pauline Tamesis khẳng định, sự tham gia bình đẳng của nữ giới trong các lĩnh vực STEM ngày hôm nay là nền tảng để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam trong tương lai.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, bà Pauline Tamesis cho rằng, hành trình chuyển đổi số của Việt Nam phải tạo điều kiện để mọi người dân có thể tham gia và đóng góp tích cực. Đây sẽ là chìa khóa để kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục, ổn định và đảm bảo mức độ hòa nhập xã hội cao hơn, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra ba giải pháp gồm: Đảm bảo các chính sách đáp ứng giới về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; phá bỏ rào cản để phụ nữ và trẻ em gái trở thành những người tiên phong đổi mới sáng tạo và là những người lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực STEM; dự báo xu hướng việc làm trong tương lai và đảm bảo khả năng tiếp cận các chương trình nâng cao, đào tạo lại kỹ năng.
Cuối bài viết, bà Pauline Tamesis kêu gọi: Đừng lặp lại những trở ngại/rào cản cho sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào lực lượng lao động tương lai. Chúng ta cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay bằng cam kết xây dựng một thế giới mà ở đó đổi mới sáng tạo và công nghệ được khai thác hiệu quả, để tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn./.