Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nêu rõ, Việt Nam được coi là một trong số các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khung pháp luật và chính sách tiến bộ để thúc đẩy bình đẳng giới.
(TTXVN) Ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nêu rõ, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ X ngày 29/11/2006 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, đến nay đã thi hành được 15 năm.
Là cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiến hành tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật, làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách-pháp luật về bình đẳng giới. Hội nghị còn có ý nghĩa khi được tổ chức trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 .
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Việt Nam được coi là một trong số các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khung pháp luật và chính sách tiến bộ để thúc đẩy bình đẳng giới.
Nguyên tắc phổ quát về bình đẳng nam – nữ trong Hiến pháp được cụ thể hóa trên nhiều văn bản luật pháp và chính sách ở mọi lĩnh vực, trọng tâm là Luật Bình đẳng giới năm 2007- đã thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của quốc gia thành viên đối với các công ước và luật pháp quốc tế về bình đẳng giới. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thực hiện tốt bình đẳng giới.
Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý nói chung.
Thành tựu bình đẳng giới cũng được ghi nhận về giảm khoảng cách giới, qua đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, sau 15 năm thi hành, Luật Bình đẳng giới 2007 đã góp phần tăng cường nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan chức năng và xã hội về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Luật vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và bất cập từ các quy định của luật cũng như thực tiễn thi hành luật, cần được nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu lực thực thi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những tổ chức nòng cốt, thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò quan trọng trong vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Trách nhiệm của Hội thực hiện công tác bình đẳng giới được quy định cụ thể trong Luật Bình đẳng giới, tập trung các nhóm nhiệm vụ như tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của xã hội về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới; tham mưu đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép giới trong văn bản quy pháp pháp luật…
Theo Báo cáo kết quả 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cấp Hội đã tích cực tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, trong đó chủ trì thực hiện được 13.767 đợt giám sát; tham gia/phối hợp thực hiện hơn 9.150 đoàn giám sát liên ngành. Giai đoạn 2007-2021, thông qua giám sát, Hội đã phát hiện gần 15.000 vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết được 11.485 vụ việc.
Các cấp Hội tập trung phản biện xã hội các dự thảo luật, dự thảo văn bản quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã được tiếp thu, góp phần làm cho hệ thống chính sách về bình đẳng giới, chính sách dành cho phụ nữ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, ý kiến, kiến nghị trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới, nhất là những kiến nghị, đề xuất về vai trò của Hội trong công tác bình đẳng giới và việc luật hóa các vai trò này./.