Xã hội

Hợp tác xã góp phần vào sự phát triển toàn diện của thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng

Đà Nẵng có nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển toàn diện của thành phố.

Quang cảnh thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

TTXVN - Đà Nẵng xác định vai trò quan trọng của hợp tác xã đối với sự phát triển bền vững của thành phố, do vậy đã tập trung nâng cao vai trò tổ chức này nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương.

* Trú trọng phát triển hợp tác xã

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế đã có sự thay đổi lớn. Trong đó, hợp tác xã hướng đến hỗ trợ hoạt động kinh tế, đời sống của thành viên thông qua cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, phát triển cộng đồng.

Theo Bí thư Thành ủy, thành phố đã xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực quản lý, trọng tâm về thuế, phí; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ; chính sách hỗ trợ củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát triển hợp tác xã; hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố.

Người dân, du khách tham quan mua sắm tại Phiên chợ sản phẩm hợp tác xã lần 1 - Đà Nẵng 2023. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo báo cáo, đến nay Đà Nẵng có 141 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 7 hợp tác xã thành lập mới. Các hợp tác xã thu hút 9.464 thành viên và giải quyết việc làm cho 14.892 lao động.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã của Đà Nẵng cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật, thực hiện các cơ chế quản lý mới để hợp tác xã thích ứng với nền kinh tế thị trường, khi thành phố bước vào thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đến nay, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời và ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, thành phố đã xây dựng được mô hình hợp tác xã đầu tư quản lý kinh doanh chợ.

Theo ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Đà Nẵng, 6 tháng năm 2023, đơn vị phối hợp với Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố tổ chức Phiên chợ sản phẩm Hợp tác xã lần thứ nhất tại Đà Nẵng; với sự tham gia của 17 Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố và hơn 100 hợp tác xã tham gia trưng bày, giới thiệu 500 sản phẩm đặc sản vùng miền đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP... Ngoài ra, Quỹ Hợp tác xã đã hỗ trợ lập dự án cho 2 hợp tác xã vay vốn để triển khai 3 dự án với số tiền 1,8 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã giải ngân cho các hợp tác xã vay vốn được 44 lượt, số vốn đã được giải ngân 18.250 triệu đồng, đạt 3,2 lần quay vòng vốn.

Các vườn rau xanh được trồng tại nông trại An Phú Farm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

* Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Cùng với những chuyển biến tích cực, hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Đà Nẵng nhận định, hầu hết các hợp tác xã đều có quy mô, năng lực sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Sản phẩm kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế, sản phẩm OCOP đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến, kiểu dáng, mẫu mã sản lượng cung ứng ra thị trường tiêu thụ chưa đẹp.

Bên cạnh đó, cán bộ quản lý hợp tác xã đa số lớn tuổi, nhân lực lao động trẻ ở nông thôn thiếu hụt, phần lớn đi làm ăn xa; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã; riêng các hợp tác xã vận tải gặp khó khăn do cạnh tranh từ các xe hợp đồng đưa đón tận nơi…

Các sản phẩm mây tre của hợp tác xã thành phố Đà Nẵng được trưng bày bán tại Phiên chợ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Đưa ra giải pháp nâng cao vai trò Liên minh hợp tác xã, ông Phạm Công Chính cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh theo dõi, giám sát, phản biện xã hội, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của thành viên; tham gia góp ý về các dự thảo chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tư vấn, định hướng và hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện việc chuyển đổi, tái cấu trúc lại theo mô hình hợp tác xã kiểu mới đối với các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả.

Ngoài ra, Liên minh hợp tác xã tăng cường hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố; khảo sát chất lượng hoạt động hợp tác xã đối với các hợp tác xã mới thành lập, nhằm nắm bắt tình hình chất lượng hoạt động và tư vấn định hướng phát triển, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của các hợp tác xã…/.

PV

Xem thêm