Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các nhánh sông chính, tỉnh Hưng Yên đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nhằm cải thiện chất lượng nước.
TTXVN - Tình trạng rác thải ùn ứ tại các khu tập kết và trong các khu dân cư rất lớn, công suất của các lò đốt rác chưa đảm bảo để xử lý; ô nhiễm tại các khu công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân..., đây là những ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh" do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức, ngày 20/9.
* Nhiều vấn đề “nóng” về môi trường
Liên quan đề vấn đề ô nhiễm trên các sông, nhất là sông Bắc Hưng Hải, nhiều cử tri cho rằng, gần đây, sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm, thường xuyên bốc mùi hôi thối, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để; đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục có giải pháp để xử lý tình trạng trên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, trước thực trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các nhánh sông chính, tỉnh Hưng Yên đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nhằm cải thiện chất lượng nước. Nhìn chung, chất lượng nước ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã có cải thiện, một số thông số ô nhiễm đã giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường và chất lượng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao, nhiều thông số ô nhiễm vượt nhiều lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt, ảnh hướng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhân dân.
Ông Nguyễn Hùng Nam cho biết, tỉnh đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; trong đó, quy định các doanh nghiệp xả nước thải có lưu lượng trên 100 m3/ngày đêm phải lắp đặt quan trắc tự động. Đến nay, đã có 20 cơ sở lắp đặt vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Tỉnh cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải. Cùng với đó, Hưng Yên thường xuyên tuyên truyền về môi trường trong cộng đồng, tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy; công khai danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hưng Yên kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đảm bảo ngoài chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chức năng tiêu thoát nước thải cho công nghiệp, dân sinh...
Cử tri Lê Văn Lượng, huyện Văn Lâm cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh và UBND huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh. Tại thôn Minh Khai vẫn còn tồn tại khoảng 150.000 tấn chất thải nhựa chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chung toàn tỉnh và có kế hoạch giải quyết dứt điểm lượng chất thải nhựa tồn đọng, chưa được xử lý tại làng nghề; đồng thời có các giải pháp nhằm hạn chế việc đưa phế liệu nhựa về làng nghề Minh Khai để làm nguyên liệu sản xuất, tái chế.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Trần Đăng Anh cho biết, trên địa bàn có 4 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay các ngành chức năng đã xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại làng nghề thuộc da xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ và làng nghề chế biến dong giềng Tứ Dân, huyện Khoái Châu. Các ngành chức năng tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm tại làng nghiệp tái chế nhựa Minh Khai và làng tái chế chì xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm.
Đối với khoảng 150.000 tấn chất thải nhựa ở Minh Khai chưa được xử lý, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ xử lý. Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiến hành phân loại, trong đó một phần sẽ được tận dụng để sản xuất xi măng...
* Giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam khẳng định, những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai chiến lược, mục tiêu phát triển bền vững, quán triệt phát triển kinh tế - xã hội phải quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường. Ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm bảo vệ môi trường là nền tảng cho phát triển bền vững và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội; thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội. Mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường tỉnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn như tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm chưa được ngăn chặn triệt để; việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt so với yêu cầu; đầu tư lò đốt rác thải còn chậm. Hiện, trên địa bàn tỉnh còn 2 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để; tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được cải thiện nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, thị xã Mỹ Hào và các đô thi loại V chưa có công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu...
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh ngăn ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường các dự án sản xuất công nghiệp, trọng tâm là ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; góp ý kiến đối với dự án đầu tư vào tỉnh, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Các khu cụm công nghiệp phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong khu công nghiệp trước khi tiếp nhận, đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải; hỗ trợ, đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; triển khai và nhân rộng phân loại rác thải tại nguồn…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chương trình, đề án về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa việc gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngay từ bước đầu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Địa phương không tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp riêng lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại hai làng nghề tái chế chì (thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm) và tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm)...
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường; công tác bảo vệ môi trường trong các làng nghề theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh. UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; quản lý các nguồn xả thải trên địa bàn theo phân cấp; theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng và chất thải môi trường theo thẩm quyền được giao./.