Xã hội

Hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống kinh tế, xã hội

Quảng Ninh

Hiện người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản thanh toán nộp phí, lệ phí, biên bản xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia

TTXVN - Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh hướng tới mục tiêu đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen tự nhiên trong đời sống kinh tế, xã hội. Đến nay, tỉnh đã đạt thu ngân sách Nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với tỷ lệ 99,2%.

Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được các đơn vị chú trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách Nhà nước... Tất cả các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đã chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến. Hiện người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản thanh toán nộp phí, lệ phí, biên bản xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Đến nay, có trên 61% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.

Người dân thực hiện thao tác chuyển khoản bằng app Momo. (Ảnh: Văn Phúc/TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh, với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, như: chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, dùng tài khoản viễn thông thanh toán, sử dụng mã QR, ví điện tử... đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong mua bán, trao đổi hàng hóa, sử dụng các dịch vụ... Cùng với đó, là hàng chục tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet, qua kênh điện thoại di động, hoặc cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động trên thị trường.

Ngoài ra, Quảng Ninh đã triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đạt được một số kết quả tích cực, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đến nay, khoảng 4 triệu tài khoản Mobile Money được mở; trong đó, hơn một nửa số tài mở ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Để đảm bảo hạ tầng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng dùng chung như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia... thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vận hành hệ thống đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ./.

PV

Xem thêm