Du lịch

Kết nối tour, tuyến du lịch Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long

Vĩnh Long

Vĩnh Long phải chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh, dựa trên các loại hình du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh gắn với hoạt động mua sắm, ẩm thực đặc trưng…

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Ngày 11/9, Hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm và kết nối tour, tuyến du lịch Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh” đã được tổ chức.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, sau thời gian chịu tác động của COVID-19, du lịch của tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố có sự suy giảm nghiêm trọng về lượt khách và doanh thu. Các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, lao động lĩnh vực du lịch biến động mạnh. Năm 2022 đánh dấu sự phục hồi mạnh của du lịch cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Tại Vĩnh Long, tổng lượt khách đạt hơn 1 triệu lượt và doanh thu 480 tỷ, tăng trưởng trên 60% so với 2021. Năm 2023, ước tổng lượt khách đạt thấp nhất khoảng hơn 1,4 triệu lượt, doanh thu ước đạt 1,8 - 2,0% GRDP của tỉnh.

Khó khăn của Vĩnh Long hiện nay là sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu khu, điểm vui chơi giải trí, các hoạt động thu hút về đêm nên khó giữ chân du khách. Việc liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng hình thành tour, tuyến hiệu quả chưa cao; chưa hình thành các tour, tuyến mới liên kết giữa các địa phương lân cận. Trong tỉnh, giữa các địa phương cũng chưa có sự liên kết phát triển du lịch, chưa hình thành tour, điểm đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm, nghỉ dưỡng để giữ chân và tăng chi tiêu của khách.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích giải pháp kết nối các điểm đến của du lịch Vĩnh Long vào tour, tuyến du lịch liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; khai thác yếu tố giá trị văn hóa sông nước để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch Vĩnh Long; liên kết phát triển du lịch, nâng cao chuỗi giá trị để tạo động lực phát triển du lịch từng địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quyết Thắng, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Vĩnh Long phải chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh, dựa trên các loại hình du lịch như homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh gắn với các hoạt động mua sắm, ẩm thực đặc trưng…Trong đó, tỉnh cần đặc biệt quan tâm xây dựng đề án Di sản đương đại Mang Thít với nghề làm gạch, gốm truyền thống và Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành hai sản phẩm đặc trưng chủ lực của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do đó, việc phục hồi, ổn định và phát triển du lịch sẽ giúp thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án trọng tâm để tạo sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách, tăng trưởng ngành du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch homestay nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa; xây dựng thương hiệu “Đệ nhất homestay Vĩnh Long”. Tỉnh duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng “Về Vĩnh Long đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội”; triển khai nhanh việc xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Long, tạo điểm nhấn trong liên kết tour, tuyến với các tỉnh, thành.

Đặc biệt, các cấp, các ngành có liên quan tăng cường tham mưu triển khai có hiệu quả Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình liên kết phát triển du lịch các tỉnh cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là là phát huy hiệu quả liên kết tour, tuyến, đa dạng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến.

Ông Lữ Quang Ngời yêu cầu các ngành, địa phương của tỉnh đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về du lịch Vĩnh Long bằng nhiều hình thức phong phú, đảm bảo chuyển tải đầy đủ thông tin du lịch Vĩnh Long đến với du khách; thường xuyên cập nhật thông tin, vận hành hiệu quả Cổng thông tin du lịch của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ du lịch, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch của tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Văn Giàu cho biết, Vĩnh Long không giàu tài nguyên du lịch; vùng đất không rừng, không núi, không biển, không có biên giới. Ngoài loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đã phát triển một thời gian dài, để tạo sự đa dạng trong sản phẩm, nét khác biệt với các tỉnh, thành phố trong khu vực, du lịch Vĩnh Long tập trung xây dựng, hình thành 4 sản phẩm du lịch đặc thù và bước đầu đạt được sự hưởng ứng tích cực của du khách là homestay, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp./.


Phạm Minh Tuấn

Xem thêm